Taras Hryhorovych
Shevchenko (tiếng Ukraina: Тарáс Григóрович Шевчéнко; 9 tháng 3 năm 1814 – 10
tháng 3 năm 1861) là Đại thi hào dân tộc, họa sĩ, viện sĩ, chiến sĩ đấu tranhvì dân tộc Ukraina, người phát triển và hoàn thiện nền văn học mới và ngôn ngữ mới của Ukraina.
Taras Shevchenko sinh
tại làng Moryntsy, châu Kiev, Đế quốc Nga (nay là tỉnh Cherkasy của Ukraina).
Là con một gia đình nông nô, cũng như cả gia đình mình, Taras là sở hữu của địa
chủ Pavlo Engelhardt. Chín tuổi ông mồ côi mẹ, ba năm sau mồ côi cha, vì thế từ
nhỏ Taras đã phải lao động vất vả chăn dắt gia súc ngoài đồng cỏ. Mười lăm tuổi
Taras được xung vào đám "tiểu đồng" cần vụ của chủ. Sớm nhận ra những
tài năng của cậu bé Taras, Pavel Engelhardt đã gửi cậu học vẽ cùng họa sĩ Jan Rustem ở Đại học Vilnius. Sau khi chuyển đến Saint Petersburg, Shevchenko được
tiếp tục học vẽ bốn năm. Ngày 22 tháng 4 năm 1838, chàng trai Taras được một số
văn nghệ sĩ Nga bỏ tiền ra trả cho địa chủ Engelhardt để chuộc thành người tự
do. Taras Shevchenko trở thành sinh viên Học viện Mỹ thuật, trực tiếp theo học
danh họa Karl Pavlovich Briullov.
Ngoài việc học vẽ ở Học viện Mỹ thuật, Shevchenko còn say mê sáng tác thơ ca. Tập thơ đầu tay nhỏ bé của
Shevchenko có tên là Người hát rong (Kobzar) xuất bản năm 1840 nhờ tiền của một
người bạn Ukraina của mình. Tập thơ nhỏ, chỉ với 8 bài thơ và trường ca này đã
gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc Ukraina cũng như người đọc Nga.
Năm 1841, Shevchenko
sáng tác bản trường ca lớn Haydamaky miêu tả cuộc khởi nghĩa nông dân 1768.
Cũng như tập thơ đầu tay Người hát rong, bản trường ca Haydamaky đã thành công lớn.
Tiếp theo xuất hiện những tác phẩm thơ ca khác đều có giá trị: Hamalya, Trizna,
Giấc mơ v.v.
Năm 1845, Shevchenko
tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật, và trở về Ukraina bắt đầu làm việc tại ủy ban khảo
cổ học. Vì giao du với các thành viên trí thức tiến bộ, đặc biệt là với nhà hoạt
động xã hội Nicolay Kostmarov, tham gia Hội ái hữu Thánh Cyril và Methodius –một
tổ chức chính trị hoạt động bí mật ở Kiev nhằm chống lại chế độ nông nô,
Shevchenko đã bị bắt cùng 10 người khác trong tổ chức. Tất cả những người này phải
chịu những hình phạt khác nhau vì tội tổ chức các hoạt động chính trị, trong đó
Shevchenko bị hình phạt nặng nhất vì trường ca Giấc mơ đã châm biếm hoàng hậu.
Shevchenko bị đầy đi làm lính trơn ở tiểu đoàn tiền phương Orenburg, bị cấm
sáng tác và đã phải sống ở nơi lưu đày xa xôi hẻo lánh suốt mười năm ròng.
Các năm 1848 – 1849
Shevchenko được tham gia đoàn thám hiểm ở biển Aral. Với sự ưu ái của các sĩ
quan ở đây, Shevchenko được tự do sáng tác và kết quả là có nhiều tác phẩm thơ
cũng như hội họa được sáng tác trong thời kỳ này.
Sau khi Sa hoàng Aleksandr II lên ngôi, năm 1857, Shevchenko được trả tự do. Ông được trở về
Nizhny Novgorod, sau đó về Sankt-Peterburg. Thời kỳ này Shevchenko tiếp tục viết,
vẽ và tập hợp những sáng tác trong thời kỳ lưu đày.
Năm 1859 ông về thăm
quê hương Ukraina. Ngày 2 tháng 9 năm 1860 Shevchenko được phong Viện sĩ của Viện
hàn lâm Nghệ thuật. Năm 1860, tại Saint Petersburg, Shevchenko cho xuất bản lại
bản mới của tập thơ Người hát rong (Kobzar).
Sau những năm tháng
cơ cực tù đầy, Shevchenko có dự định trở về Ukraina sinh sống, đã có ý định mua
đất làm nhà ở Ukraina và sẽ cưới vợ nhưng ông đã lâm bệnh hiểm nghèo. Buổi sáng
ngày 10 tháng 3 năm 1861, Taras Hryhorovych Shevchenko qua đời.
Ông được chôn cất tại
nghĩa trang Smolensky ở Saint Petersburg. 58 ngày sau đó, theo như Lời di chúc
của Taras Shevchenko, hài cốt của ông được đem về an táng tại Đồi Chernecha
(nay là Đồi Taras), thành phố Kaniv, tỉnh Cherkasy, bên sông Dnepr.
Di sản văn học của
Taras Shevchenko được coi là nền tảng của văn học Ukraina, và đến một mức độ lớn
hơn, là nền tảng của ngôn ngữ Ukraina hiện đại. Taras Shevchenko là người đầu
tiên nâng thơ ca Ukraina lên ngang tầm các nền thơ khác của châu Âu.
Taras Shevchenko trở
thành biểu tượng của dân tộc Ukraina. Trong lịch sử văn học thế giới, tên tuổi
của ông đứng ngang hàng với những thiên tài về ngôn ngữ như Pushkin, Goethe,
Maeterlinck... Thơ của ông được dịch ra hơn hai trăm thứ tiếng của thế giới.
Ngoài thơ ca, Taras
Shevchenko còn để lại một số lượng lớn các tác phẩm văn xuôi (phần nhiều được
viết bằng tiếng Nga) và một số lượng lớn các tác phẩm hội họa có giá trị về mặt
nghệ thuật.
Di sản thơ ca của
Taras Shevchenko là rất đồ sộ. Tuy nhiên, có thể nói rằng tất cả sức mạnh văn học
của Shevchenko là ở tác phẩm Người hát rong (Kobzar). Nhìn bên ngoài, khối lượng
của Người hát rong không lớn, nhưng nội dung bên trong lại là một tượng đài văn
học phức tạp và phong phú: đấy là ngôn ngữ tiếng Ukraina trong lịch sử phát triển
của nó, là chế độ nông nô và cuộc sống nhà binh khắc nghiệt cùng với những hoài
niệm về ý chí tự do của phong trào Cô-dắc. Ở đây có một sự kết hợp tuyệt vời từ
các ảnh hưởng: một mặt, từ ảnh hưởng của nhà triết học Ukraina, HryhoriiSkovoroda và từ những người hát rong dân gian, mặt khác – ảnh hưởng của
Mickiewicz, Zhukovsky, Pushkin và Lermontov. Trong Người hát rong có vùng đấtthánh Kiev, có vùng thảo nguyên Zaporizhia, có cảnh điền viên của đời sống nông
dân Ukraina bình dị – tất cả đấy là nguyên khí của quốc gia với những khía cạnh
đặc sắc từ vẻ đẹp, vẻ trầm tư và nỗi buồn đặc trưng Ukraina. Thơ ca của Taras
Shevchenko xuất phát từ thơ ca dân gian, gắn liền với sử thi Cô-dắc, với văn
hóa cổ Ukraina và một phần văn hóa Ba Lan cũng như gần gũi với nhiều hình tượng
trong Câu chuyện về cuộc hành binh Igor.
Tuy nhiên, thơ
Shevchenko càng hay bao nhiêu, càng đặc sắc bao nhiêu thì khi dịch ra ngôn ngữ
khác sẽ càng khó bấy nhiêu. Khó khăn lớn nhất trong việc nghiên cứu và dịch thơ
Shevchenko ở chỗ là thơ ông thấm đượm tinh thần dân tộc, hòa quyện chặt chẽ với
lời ru tiếng hát, với ngôn ngữ dân gian. Trong thơ ông hầu như không thể xác định
được ở đâu là nơi thơ ca dân gian Ukraina kết thúc và ở đâu là nơi bắt đầu sáng
tạo riêng của Shevchenko. Đây lại là trở ngại chính trong việc dịch thơ Taras
Shevchenko ra các ngôn ngữ khác (trừ các ngôn ngữ thuộc nhóm Slavơ), đặc biệt
là khi dịch ra tiếng Việt.
Thơ Taras Shevchenko
lần đầu tiên được nhà thơ Tế Hanh dịch 2 bài ra tiếng Việt qua tiếng Pháp từ
năm 1959. Năm 1961, kỷ niệm 100 ngày mất của nhà thơ, báo Văn học đăng một số
bài thơ do Thúy Toàn và Nguyễn Xuân Sanh dịch từ tiếng Nga và tiếng Pháp. Kể từ
đó, thơ của ông được một số người khác trích hoặc phỏng dịch qua các ngôn ngữ
trung gian và đã đăng trên các báo, tạp chí của Việt Nam, tuy nhiên có thể nói
rằng các bản dịch này có số lượng ít ỏi và chất lượng thì còn khoảng cách với
tinh thần của thơ Taras Shevchenko.
Năm 2004 nhân dịp kỷ
niệm 190 năm ngày sinh Taras Shevchenko, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản cuốn Thơ
Taras Shevchenko gồm 36 bài thơ cùng với lời giới thiệu của ngài Pavlo
Sultansky – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ukraina tại Việt Nam. Đây là quyển Thơ
Taras Shevchenko được Nguyễn Viết Thắng dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng
Ukraina sang tiếng Việt.
Năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam in cuốn Thơ Taras Shevchenko gồm phần 1: 36 bài thơ in song ngữ
Ukraina – Việt và phần 2: tập hợp tất cả các lần giới thiệu Taras Shevchenko tại
Việt Nam kể từ năm 1959 cùng với phần dịch cũng như trích dịch, phỏng dịch thơ
Taras Shevchenko sang tiếng Việt.
Hiện nay Nguyễn Viết
Thắng đang thực hiện dự án "Taras Shevchenko – 150 bài thơ và trường
ca". Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 100 bài được dịch ra tiếng Việt,
trong số này có những tập thơ quan trọng như Người hát rong, Thơ viết trong tù…
hay các trường ca nổi tiếng như Katerina, Haydamaky… đã được dịch ra tiếng Việt.
Trích 1 bài trong tập "Người Hát Rong"
CÂY DƯƠNG
Tiếng gió hú trong rừng
Gió đi dạo trên đồng
Gió làm cho cúi xuống
Sát đất một cây dương.
Thân cao và lá rộng
Màu xanh đến lạ lùng
Đồng ruộng, như đại dương
Bao la và xanh thắm.
Người buôn nhìn cây dương
Thấy lòng mình trĩu nặng
Người chăn cừu buổi sáng
Ngồi trên nấm mồ con
Thấy tê tái cõi lòng
Nhưng không còn gì hết
Cây dương đang dần chết
Nơi xứ lạ, cô đơn!
Chuyện vì đâu, do ai
Mà nên nông nỗi vậy?
Kể cho các cô gái
Xin hãy lắng nghe này.
Một cô gái mắt đen
Yêu một chàng Cô-dắc
Chàng cũng yêu thương nàng
Rồi ra đi và chết…
Giá như mà biết trước
Thì đã chẳng yêu đương
Giá biết chàng sẽ chết
Thì đã không buông chàng.
Giá như mà biết được
Thì không đợi đến đêm
Đã không đi lấy nước
Để gặp gỡ với chàng
Giá như mà biết được!...
Bởi vì không biết được
Điều phía trước đang chờ
Bởi thế mà số kiếp
Đừng căn vặn làm chi
Nhưng con tim biết được
Yêu ai. Cứ yêu đi
Một khi còn chưa về
Nằm ngủ yên dưới đất.
Bởi vì đôi mắt đẹp
Đâu có được lâu dài
Bởi vì trên gương mặt
Màu hồng đỏ chóng phai
Chỉ được đến nửa ngày
Lông mày đen phai nhạt
Em hãy yêu, hãy yêu
Như con tim vẫn biết.
Sơn ca cất tiếng hót
Trên cành cây kim ngân
Người Cô-dắc khẽ hát
Trong thung lũng một mình
Cô gái từ nhà tranh
Ra với người gặp gỡ
Người Cô-dắc hỏi nhỏ:
"Mẹ có đánh em không?"
Họ bên nhau, rất gần
Chim sơn ca vẫn hát
Gặp gỡ rồi ly biệt
Con tim đập rộn ràng…
Không ai nhìn thấy họ
Không có ai hỏi cả:
"Em ở đâu, với ai?"
Chỉ mình nàng biết thôi.
Đã yêu và dan díu
Con tim đã tái tê
Tim cảm nhận điều chi
Không biết cách bày tỏ
Chưa nói – còn lại đó
Vẫn ngày đêm thỏ thẻ
Bồ câu chẳng có đôi
Không ai nghe thấy cả…
Sơn ca không hát nữa
Bên hồ nước, trong rừng
Cô gái giờ không còn
Hát bên cây liễu nhỏ.
Đừng hát – cô đơn ạ
Cả thế giới hoang tàn
Không có chàng – người thân
Cũng là người xa lạ.
Thiếu chàng, vầng dương nhỏ
Như kẻ thù đang cười
Những nấm mồ khắp nơi…
Mà con tim rộn rã.
Một năm, hai năm qua
Người thương chẳng trở về
Nàng như hoa khô héo
Lặng lẽ như nấm mồ.
Mẹ không hỏi: "Điều gì
Mà nên nông nỗi vậy?"
Mẹ tìm cho con gái
Người giàu có nhưng già.
"Con về với người ta
Hãy nghe theo lời mẹ
Người cô đơn, giàu có
Con là một quý bà!"
"Con không làm quý bà
Con không đi đâu cả
Thà mẹ đem con mẹ
Chôn vùi xuống nấm mồ.
Thà rằng con nằm nghe
Lời nguyện cầu, than khóc
Thà rằng con sẽ chết
Hơn làm vợ ông già".
Bà mẹ không đầu hàng
Mẹ làm, như mẹ muốn
Cô gái đôi mắt đen
Héo hon và im lặng.
Rồi sau nàng quyết định
Tìm thầy bói trong đêm
Xem bao ngày được sống
Có còn gặp người thương?
"Bà yêu dấu của con
Tấm lòng con chân thành
Cho con biết sự thật
Những điều con ước mong.
Người yêu dấu của con
Còn sống, còn khỏe mạnh
Và có còn yêu mến
Hay đã bỏ rơi con.
Bà yêu dấu của con
Như bà cũng đã biết
Mẹ già con bắt ép
Con phải đi lấy chồng
Nhưng người đó con không
Một chút nào yêu hết
Con đã muốn trầm mình
Chỉ lòng còn thương tiếc.
Nếu người yêu con chết
Xin bà hãy làm cho
Để con không quay về
Không quay về nhà nữa
Ở nhà người ta đã
Chuẩn bị để cưới con".
"Được thôi, nhưng mà con
Nghe lời ta khuyên nhủ
Đau khổ ta cũng từng
Nên giờ ta hiểu rõ
Dù đã qua tất cả
Ta học được bao điều
Chuyện của con gái yêu
Ta từ lâu biết rõ
Ta từ lâu chuẩn bị
Một liều thuốc cho con."
Nói xong bà liền mang
Thứ thuốc đen như mực
"Con hãy lấy thuốc này
Rồi đứng kề bên giếng
Khi gà chưa gáy sáng
Hãy rửa mặt rửa mày
Sau đó con hãy uống
Và đừng sợ gì nghe!
Con cũng đừng nhìn xa
Dù tiếng kêu ở đó
Chạy đến nơi con đã
Chia tay với người ta.
Lúc đó giữa trời xa
Một vầng trăng sáng tỏ
Con uống thêm lần nữa
Chưa thấy – tiếp lần ba.
Sau lần một quay về
Với ngày xưa thiếu nữ
Sau lần hai – từ xa
Dồn dập bàn chân ngựa
Nếu người yêu còn đó
Sẽ lập tức quay về
Còn sau lần thứ ba…
Tốt nhất đừng hỏi nữa.
Đừng hỏi nữa, bởi vì
Tất cả vào trong nước
Bây giờ con hãy đi
Nhìn vẻ xưa nét đẹp".
Thế là nàng lấy thuốc
"Con xin cảm ơn bà"
Nàng lặng lẽ bước ra
Nghĩ: "Chắc không về được!"
Nàng rửa mặt, uống thuốc
Và không chỉ một lần
Mà ba lần liên tục
Rồi khóc và hát lên:
"Thiên nga của ta ơi
Hãy bơi đi trên biển
Cây dương của ta ơi
Hãy cao lên, hãy lớn
Hãy cao và thanh mảnh
Chạm tới đám mây kia
Hỏi trời: người ta yêu
Có còn yêu ta nữa?
Và cây dương hãy nhìn
Về bên kia biển cả
Vì bên kia – vui mừng
Còn bên này – đau khổ
Người yêu ta đâu đó
Đang rảo bước trên đồng
Mặc ta khóc, tháng năm
Phí hoài vì người đó.
Hãy nói rằng: thiên hạ
Đang chế giễu, đang cười
Ta sẽ chết, nếu người
Không còn quay về nữa!
Cả mẹ ta cũng thế
Mẹ muốn đem chôn vùi
Nhưng rồi ai sau này
Sẽ chăm lo cho mẹ
Biết lấy ai giúp đỡ
Ai an ủi mẹ già?
Ôi mẹ, mẹ của ta
Ôi người yêu, lạy Chúa!
Nếu người ta yêu thương
Không còn bên kia biển
Ngươi hãy khóc về đêm
Thâu đêm và suốt sáng
Cây dương ơi hãy lớn
Và cao hướng bầu trời
Còn thiên nga hãy bơi
Về phía bên kia biển!"
Nàng đã khóc và hát
Những câu hát đau buồn
Mặc cho người kinh ngạc
Nàng biến thành cây dương.
Không trở về nhà mình
Hạnh phúc chưa được hưởng
Cây dương cao, thanh mảnh
Vươn tới tận mây xanh.
Tiếng gió hú trong rừng
Gió đi dạo trên đồng
Gió làm cho cúi xuống
Sát đất một cây dương.
Xem thêm:
101 bài thơ và trường ca Song Ngữ:
Xem thêm:
101 bài thơ và trường ca Song Ngữ: