Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Thơ Osip Mandelstam

Osip Emilyevich Mandelstam (tiếng Nga: О́сип Эми́льевич Мандельшта́м, 15 tháng 1 năm 1891 – 27 tháng 12 năm 1938) – nhà thơ, nhà văn Nga, một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist (Đỉnh cao), Nga.

Tiểu sử:
Osip Mandelstam sinh ở Warsaw, Ba Lan trong một gia đình người Do Thái. Bố là một thương gia nên tuổi nhỏ Mandelstam được sống đầy đủ. Năm 1897 cả gia đình chuyển về Sankt-Peterburg. Từ năm 1900 đến năm 1907 học ở trường trung học Tenishesky, một trong những trường học có xu hướng tiến bộ thời bấy giờ. Từ nhỏ đã tỏ ra ấn tượng với vẻ kiến trúc hài hòa của Peterburg qua cuộc sống của cộng đồng Do Thái. Năm 1908 – 1910 học ở Đại học Sorbonne và Đại học Heidelberg. Năm 1911 vào học Đại học S. Peterburg và tốt nghiệp năm 1917. Năm 1923, sau khi tiếp xúc với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Osif Mandelstam đã nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa – không phải thứ văn hóa châu Âu, có lẽ đấy là nền văn hóa của tương lai”.

Mandelstam bắt đầu sự nghiệp thơ ca như một nhà thơ của phái hình tượng, chịu ảnh hưởng của Sologub và Tyutchev. Cuối năm 1912 tham gia phái Asmeist, kết bạn với Anna Akhmatova, Nicolai Gumilyov, xuất bản tập thơ đầu Камень (Đá, ba ấn bản: 1913, 1916, 1922). Thời kỳ Thế chiến I và Cách mạng tháng Mười (1916 – 1920) Mandelstam hoàn thành tập thơ thứ hai Tristia, xuất bản năm 1922, năm 1923 in lại dưới tên “Quyển sách thứ hai” đề tặng Nazezhda Khazina, vợ của nhà thơ. Những năm 1925 – 1930 Mandelstam chỉ viết văn, năm 1930 bắt đầu quay lại với thơ. 

Tháng 11 năm 1933 ông viết bài thơ Мы живем, под собою не чуя страны... chỉ trích Stalin nên bị bắt vào trại cải tạo ở Voronezh. Tháng 5 năm 1937 được ra trại Voronezh. Năm sau lại bị bắt đi cải tạo ở vùng Viễn đông. Mandelstam mất ngày 27 tháng 12 năm 1938 trong trại cải tạo ở Vladivostok.

Tác phẩm:
*Камень (Đá, 1913, 1916, 1922), thơ
*Tristia, 1922, thơ
*Шум времени (Tiếng ồn của thời gian, 1923), văn xuôi
*Египетская марка (Con tem Ai Cập, 1927), văn xuôi
*Стихотворения (Thơ, 1928), thơ
*Слово и культура (Lời nói và văn hóa, 1922), tiểu luận
*О природе слова (Về bản chất của lời nói, 1922), tiểu luận
*Четвертая проза (Văn xuôi thứ bốn, 1930), văn xuôi
*Воронежские тетради (Những ghi chép ở Voronezh, 1935–1937), văn xuôi
*О поэзии (Về thơ ca, 1928), văn xuôi
*Разговор о Данте (Trò chuyện về Dante, 1933), văn xuôi
*Стихи о неизвестном солдате (Thơ về người lính vô danh, 1937), thơ
*Собрание сочинений: в 4 тт (Tuyển tập tác phẩm, 4 tập), tuyển tập

Một số bài thơ


GỬI CASSANDRA(1)
(Кассандрe)

Anh không đi tìm những khoảnh khắc đầy hoa
Bờ môi em, Cassandra, hay ánh mắt
Nhưng những đêm không ngủ trong tháng chạp
Kỷ niệm xưa vẫn hành hạ hai ta.

Năm 1917, trong tháng chạp
Ta đã để mất tất cả, trong tình
Một người bị ý chí nhân dân cướp bóc
Còn người kia tự cướp bóc chính mình…

Rồi thủ đô sẽ có một khi nào
Trên bờ sông Nê-va, trong ngày lễ
Trong tiếng ồn đêm hội rất kinh sợ
Ai giật chiếc khăn tuyệt đẹp trên đầu.

Nhưng nếu như cuộc đời – cần mê sảng
Và một rừng thông – những ngôi nhà cao –
Anh đã yêu em, vụng về chiến thắng
Và một mùa đông dịch hạch năm nào.

Trên quảng trường với những xe bọc thép
Anh nhìn ra người ấy – một con người
Dọa bệnh than như chó sói dọa người
Hô: bình đẳng, tự do và luật pháp.

Còn em, Cassandra đớn đau, lặng lẽ
Anh đã không còn có thể nữa đâu em
Mặt trời Aleksandr(2) đã từng cháy lên
Một trăm năm trước soi cho tất cả?
__________
(1)Đây là bài thơ viết về Anna Akhmatova. Cassandra – theo thần thoại Hy Lạp là con gái của vua Priam.
(2)Aleksandr I (1777-1825) – Hoàng đế Nga từ năm 1801.



HÌNH BÓNG EM LUNG LINH VÀ KHỔ ẢI

(Образ твой, мучительный и зыбкий)

Hình bóng em lung linh và khổ ải
Anh không thể nào cảm nhận được trong sương
“Lạy Chúa tôi!” – anh nhầm lẫn kêu lên
Nhưng tự mình không nghĩ rằng nói vậy.

Tên thánh thần như một con chim lớn
Đã bay ra từ lồng ngực của anh
ở phía trước sẽ dày đặc màn sương
Còn phía sau còn chiếc lồng trống rỗng.

 


LADY GODIVA(1)
(С миром державным я был лишь ребячески связан)

Tôi với vẻ dại dột, ngây thơ thuở gắn mình vào thế giới hoàng gia, quí tộc
Sợ những món hải vị sơn bào và chỉ dám liếc mắt nhìn ngó đội vệ binh
Và tôi cũng không có trách nhiệm với họ dù chỉ một chút hồn mình
Bởi thế tôi không tự hành hạ mình vì dáng hình kẻ khác.

Với vẻ quan trọng ngô nghê tôi chau mày trong chiếc mũ như mũ nhà thờ
Tôi không đứng một mình dưới cột đá hành lang của nhà băng Ai-cập
Và trên sông Nê-va màu vàng chanh, sau tiếng xạc xào của tờ một trăm đồng rúp
Cô gái Digan trước mặt tôi đã không còn nhảy múa nữa bao giờ.

Cảm nhận thấy những trận tử hình, từ tiếng thét gào của thời loạn lạc
Tôi chạy về phía biển Đen, để tìm đến những nàng tiên
Và thế rồi vì những người đẹp thuở ấy, những cô gái châu Âu dịu dàng
Tôi đã chịu đựng biết bao nhiêu là ngượng ngùng cùng đớn đau khó nhọc.

Không hiểu tại vì sao đến tận bây giờ thành phố này vẫn còn thỏa mãn
Với những ý nghĩ và tình cảm của tôi theo lề lối cổ xưa?
Thành phố vì những cơn nóng lạnh trở nên càn rỡ hơn hết bao giờ
Với vẻ tự ái đáng rủa nguyền, với vẻ trẻ trung và trống rỗng.

Có phải tại vì tôi đã từng ngắm nhìn trong bức tranh từ thời tôi còn nhỏ
Quí bà Godiva buông tuồng ngồi trên lưng ngựa màu hung
Và tôi thầm vụng, lén lút tự nhắc nhở trong lòng:
“Lady Godiva, vĩnh biệt! Tôi không còn nhớ Lady Godiva nữa…”
__________
(1)Lady Godiva (980-1067) – nữ bá tước, vợ của ngài bá tước Leofric III. Theo truyền thuyết của Anh, Godiva là một phụ nữ tuyệt đẹp đã yêu cầu chồng giảm thuế nặng cho dân chúng Coventry. Leofric hứa sẽ giảm thuế cho dân nếu vợ ông khỏa thân cưỡi ngựa dạo quanh thành phố Coventry. Leofric tin chắc rằng Godiva không bao giờ chịu làm như vậy. Không ngờ Godiva đồng ý, mặc dù có một chút khôn vặt – nàng đề nghị dân chúng vào một ngày hẹn trước đóng hết cửa và không nhìn ra đường phố. Và thế là Godiva đi hết một vòng quanh thành phố Coventry. Ngài bá tước vô cùng kinh ngạc trước tinh thần dám xả thân của phụ nữ nên giữ lời hứa của mình, đã giảm thuế cho dân chúng. Cũng theo truyền thuyết thì trong ngày hôm đó chỉ có duy nhất một chàng Tom tò mò (Peeping Tom) đã lén lút ngó nhìn qua cửa sổ và chính ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy đã bị mù cả hai mắt. 


CŨNG NHƯ BAO NGƯỜI KHÁC

(Я наравне с другими...)

Cũng như bao người khác
Anh muốn phụng thờ em
Những bờ môi khô khan
Vì ghen làm phép thuật.
Lời nói không xua được
Cơn khát của bờ môi
Thiếu em anh lại rồi
Khí hoang vu rậm rạp.

Không còn ghen chi hết
Nhưng anh muốn có em
Anh mang anh, tự mình
Như dâng cho đao phủ.
Không gọi tên em nữa
Không niềm vui không tình.
Thay dòng máu của anh
Bằng dửng dưng hoang dã.

Một phút giây thêm nữa
Và anh nói với em:
Chẳng vui mà đau khổ
Hình như tội lỗi đã
Đưa anh đến với em
Và châm chích cuống cuồng
Bờ môi màu thắm đỏ…

Quay về mau em nhé
Anh sợ chẳng có em
Anh không hề mạnh mẽ
Khi chưa cảm thấy em
Những gì anh muốn có
Anh nhìn thấy rõ ràng.
Không ghen gì em nữa
Nhưng anh gọi tên em.


DỊU DÀNG HƠN DỊU DÀNG

(Нежнее нежного...)

Dịu dàng hơn dịu dàng
Là gương mặt của em
Trắng hơn cả màu trắng
Là cánh tay của em
Cách cả cõi trần gian
Em bây giờ xa lắm
Và tất cả của em
Là điều không thể tránh.

Vì điều không thể tránh
Là nỗi buồn của em
Và những ngón tay êm
Cũng không hề nguội lạnh
Và tiếng động êm đềm
Từ những lời của em
Cũng không hề buồn nản
Và một cõi xa xăm
Của đôi mắt ngời sáng.




TA SỐNG ĐÂY

(Мы живём, под собою не чуя страны)

Ta sống đây mà không cảm thấy đất nước mình
Lời của ta sau mười bước chân không nghe rõ
Còn ở nơi bắt đi người đang trò chuyện dở
Nơi ấy người ta nhớ kẻ miền rừng ở điện Kremlin.
Những ngón tay thô, béo múp như những con trùn
Còn lời, giống như những quả cân, chính xác
Như những con gián cười hàng ria vểnh ngược
Và tỏa ánh hào quang ống bốt dưới bàn chân.

Còn xung quanh ông ta là một lũ lưu manh
Ông ta chơi những đầy tớ nửa người nửa ngợm.
Ai người huýt gió, ai kêu meo meo, ai than vãn
Chỉ ông ấy giọng đều đều chỉ xuống chỉ lên
Như rèn móng ngựa, ông chiếu chỉ bằng sắc lệnh
Ai vào mắt, vào trán, ai vào lông mày, vào bẹn
Ai không phải tử hình – quả là sướng như tiên
Và bộ ngực rộng của người đàn ông Ô-xê-tin.





Thơ Samuil Marshak


Samuil Yakovlevich Marshak (tiếng Nga: Самуил Яковлевич Маршак, 3 tháng 11 năm 1887 – 4 tháng 6 năm 1964) là nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng của Nga. 

Tiểu sử: 
Samuil Marshak sinh ở Voronezh trong một gia đình người Do Thái. Samuil Marshak yêu thơ cổ điển và biết làm thơ từ bé. Năm 1902 cùng gia đình chuyển về Sankt-Peterburg, được làm quen với nhà phê bình nổi tiếng Vladimir Stasov, rồi qua Stasov làm quen với Maxim Gorky. Từ năm 1904 đến năm 1906 Samuil Marshak sống ở Yalta, Crimea cùng gia đình Maxim Gorky. Năm 1907 trở về Sankt-Peterburg, Samuil Marshak tham gia tạp chí Satirikon. Năm 1912 được sang Anh học triết học ở Đại học London, thời gian nghỉ hè ông thường đi bộ khắp nơi, được nghe những bài hát dân gian, bắt đầu dịch các bài ballad dân gian và chính ông là người đã làm cho những bài ballad dân gian này nổi tiếng bằng tiếng Nga. Năm 1914 về nước, ông bắt đầu in các bản dịch thơ William Blake, Robert Burn và các bài ballad Scotland ở các tạp chí Северные записки, Русская мысль… Năm 1917 ông tổ chức “Phố trẻ thơ” – một tổ hợp bao gồm trường học, thư viện, cửa hàng và nhà hát dành cho thiếu nhi ở Ekaterinodar (nay là Krasnodar). Thời kỳ này ông viết nhiều vở kịch cho nhà hát và thơ cho thiếu nhi. Năm 1922 trở về Sankt-Peterburg tổ chức trường học cho thiếu nhi trước tuổi đến trường. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông luôn dành được sự ưu ái của bạn đọc nhỏ tuổi, nhiều bài thơ, truyện thiếu nhi của ông trở thành những tác phẩm cố điển. Maxim Gorky gọi Samuil Marshak là “ông tổ của văn học thiếu nhi Nga”. 

Thời kỳ Thế chiến II ông viết thơ trào phúng, những năm 1960 viết tự truyện. Với cuộc đời sáng tác trong gần 50 năm, ông để lại một di sản văn học đồ sộ gồm thơ, truyện, kịch, tự truyện. Ngoài ra, Samuil Marshak là dịch giả nổi tiếng với những bản dịch tác phẩm của William Shakespeare, Robert Burn, William Blake, Rudyard Kipling… ra tiếng Nga. Ông còn dịch cả thơ của chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Samuil Marshak bốn lần được tặng Giải thưởng Stalin (1942, 1946, 1949, 1951), hai huân chương Lenin và nhiều huân, huy chương các loại. Ông mất ngày 4 tháng 6 năm 1954 ở Moskva. 

Tác phẩm: 
*Собрание сочинений, т. 1-8, М., 1968-72. 



LỜI “ANH YÊU EM” 

Trọng lượng thừa sẽ cản trở con thuyền 
Những lời thừa có hại cho nhân vật 
Lời “anh yêu em” sẽ vang lên chân thật 
Và mạnh mẽ hơn “anh rất yêu em”. 


Слова «Я вас люблю»

Как лишний вес мешает кораблю,
Так лишние слова вредят герою.
Слова «Я вас люблю» звучат порою
Сильнее слов «Я очень вас люблю».


GÁNH TÌNH NẶNG 

Gánh tình nặng, dù hai người vẫn nặng 
Thế mà tình ta anh gánh chỉ một thôi. 
Phần cả hai đứa anh giữ gìn cẩn thận 
Nhưng để làm gì? Cho ai? – không nói ra lời. 


Бремя любви тяжело

Бремя любви тяжело, если даже несут его двое.
Нашу с тобою любовь нынче несу я один.
Долю мою и твою берегу я ревниво и свято,
Но для кого и зачем - сам я сказать не могу.


TRÊN QUÁ KHỨ

Trên quá khứ, như trên từng dãy núi 
Nghệ thuật của anh theo đó lên cao 
Còn nếu thiếu những dãy lịch sử bạc đầu 
Thì nghệ thuật của anh chỉ là tổ mối. 


Над прошлым

Над прошлым, как над горною грядой,
Твое искусство высится вершиной,
А без гряды истории седой
Твое искусство — холмик муравьиный.


CÓ KHÔNG ÍT CUỐN SÁCH

Có không ít cuốn sách tôi đã in 
Nhưng chúng như những con chim bay mất 
Và tôi chỉ là tác giả một trang 
Trang chưa ký tên, là trang sau chót. 


Немало книжек выпущено мной

Немало книжек выпущено мной,
Но все они умчались, точно птицы.
И я остался автором одной
Последней, недописанной страницы.




HÃY ĐỂ

Hãy để cho dòng đầu là bầu trời 
Dòng thứ hai – những đám mây đầy nước 
Qua dòng thứ ba là mưa đang rơi 
Và bàn tay đứa bé bắt giọt nước. 


Пусть будет небом верхняя строка

Пусть будет небом верхняя строка,
А во второй клубятся облака,
На нижнюю сквозь третью дождик льется,
И ловит капли детская рука.


NHỮNG GIỜ

Những giờ trôi, không nghe ra tiếng động 
Nhưng những giờ mang đến những tháng năm. 
Và mùa hè đi ra từ mùa xuân 
Rồi mùa hè đi vào mùa thu muộn.


 Часы

Часы за шумом не слышны,
Но дни и годы к нам приводят.
Выходит лето из весны
И в осень позднюю уходит.



NHỮNG LỜI CHÚC BẠN BÈ

Tôi chúc các anh tươi tốt, nở hoa 
Chúc dành dụm và chúc sức khoẻ tốt 
Sức khoẻ để dành cho bước đường xa 
Và sức khoẻ là điều quan trọng nhất. 

Chúc mỗi ngày, mỗi giờ của các anh 
Mang đến cho các anh điều mới mẻ 
Chúc đế cho nhân hậu trong lý trí 
Còn trong con tim thì sẽ thông minh. 

Tôi chúc các anh tự đáy lòng mình 
Tôi chúc bạn bè mọi điều tốt đẹp 
Mà những gì tốt đẹp, bạn biết không 
Thường là ta phải trả bằng giá đắt! 


Пожелания друзьям

Желаю вам цвести, расти,
Копить, крепить здоровье.
Оно для дальнего пути —
Главнейшее условье.

Пусть каждый день и каждый час
Вам новое добудет.
Пусть добрым будет ум у вас,
А сердце умным будет.

Вам от души желаю я,
Друзья, всего хорошего.
А всё хорошее, друзья,
Дается нам недешево!



NGỌN GIÓ ĐỜI

Ngọn gió đời không làm em lo lắng 
Như gương nước hồ lạnh lẽo mùa đông. 
Và ngay cả con tim rất nhạy cảm 
Không thể nghe tiếng sóng rất nhẹ nhàng. 

Em đã từng nhanh nhẹn và ngân vang 
Và những bước chân của em nhẹ lắm! 
Anh cứ ngỡ rằng những tia lửa sáng 
Từ đôi bàn tay biết nói của em. 

Em đã sống, đã hít thở bằng tình 
Em đã đến, như mặt trời hào phóng 
Rồi để lại những lời cuối của mình 
Bao nhiêu ấm nồng, bao nhiêu ánh sáng! 


Ветер жизни тебя не тревожит

Ветер жизни тебя не тревожит,
Как зимою озерную гладь.
Даже чуткое сердце не может
Самый легкий твой всплеск услыхать.

А была ты и звонкой и быстрой.
Как шаги твои были легки!
И казалось, что сыплются искры
Из твоей говорящей руки.

Ты жила и дышала любовью,
Ты, как щедрое солнце, зашла,
Оставляя свое послесловье —
Столько света и столько тепла!


CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN

Đã bao lần chạy đua với thời gian 
Thời gian vẫn mang anh về phía trước 
Anh quất roi, anh xua đuổi thời gian 
Để nghe ra bước chân thời gian bước. 

Còn bây giờ anh bước đi thủng thẳng 
Nhưng mà trong bàn chân bước anh nghe 
Nhưng cây sồi đang cùng nhau trò chuyện 
Và mạch nước nguồn đang đổ xuống khe. 

Đời trôi không chậm hơn, nhưng lặng hơn 
Bởi thế mà trong rừng chiều lặng lẽ 
Anh nghe lời tiễn biệt của lá cành 
Không có em – anh nhận cho hai đứa. 


Сколько раз пытался я ускорить

      С. М.

Сколько раз пытался я ускорить
Время, что несло меня вперед,
Подхлестнуть, вспугнуть его, пришпорить,
Чтобы слышать, как оно идет.

А теперь неторопливо еду,
Но зато я слышу каждый шаг,
Слышу, как дубы ведут беседу,
Как лесной ручей бежит в овраг.

Жизнь идет не медленней, но тише,
Потому что лес вечерний тих,
И прощальный шум ветвей я слышу
Без тебя — один за нас двоих.


NHỮNG BÔNG HOA

Những bông hoa trên mồ rung lặng lẽ 
Vì luồng hơi rất nhẹ giữa không trung 
Trong cái đung đưa của bông hoa huệ 
Anh nhìn ra bàn chân bước của em. 

Không khuây được, anh buồn ngay lập tức 
Em xưa từng xa lạ cảnh lăng xăng 
Bước em đi thong thả và nhẹ nhàng 
Như những bông hoa này – rất nghiêm khắc. 


Колышутся тихо цветы на могиле

Колышутся тихо цветы на могиле
От легкой воздушной струи.
И в каждом качанье негнущихся лилий
Я вижу движенья твои.

Порою печальна, подчас безутешна,
Была ты чужда суеты
И двигалась стройно, неслышно, неспешно,
Как строгие эти цветы.


TẤT CẢ CHẾT

Tất cả chết trên đất liền, trên biển 
Nhưng con người, số kiếp nghiệt ngã hơn 
Con người cần phải biết về bản án 
Đã ký vào người ấy tự lúc sinh. 

Nhưng hiểu rằng đời thấm thoát trôi nhanh 
Con người sống – trái ngược cùng tất cả - 
Con người sống và tính đến vĩnh hằng 
Và thế giới này thuộc về người đó.


Все умирает на земле и в море

Все умирает на земле и в море,
Но человек суровей осужден:
Он должен знать о смертном приговоре,
Подписанном, когда он был рожден.

Но, сознавая жизни быстротечность,
Он так живет — наперекор всему,—
Как будто жить рассчитывает вечность
И этот мир принадлежит ему.

Thơ Vladimir Mayakovsky


Vladimir Vladimirovich Mayakovsky (tiếng Nga: Влади́мир Влади́мирович Маяко́вский)(19/7/1893—14/4/1930) – nhà thơ Nga, một đại diện tiêu biểu nhất của trường phái thơ Vị lai, thế kỉ XX. 

Tiểu sử: 
Vladimir Mayakovsky sinh tại làng Baghdati, tỉnh Kutaisy, Gruzia trong một gia đình kiểm lâm. Vì sinh vào ngày sinh của bố nên được đặt tên trùng với tên bố. Cả bố và mẹ đều là những người có dòng dõi quí tộc. Lên 6 tuổi đã ham mê sách vở và thích đọc nhiều loại sách. Năm 1906, sau cái chết đột ngột của người bố, cả gia đình chuyển về Moskva. Năm 1908 vào đảng Dân chủ Xã hội Nga và tham gia hoạt động bí mật nên bỏ học từ lớp 5. Ba lần bị bắt giam, 11 tháng ngồi tù vì tội hoạt động cách mạng bí mật. 

Năm 1911 Maiakovsky học hội họa, điêu khắc và kiến trúc ở trường nghệ thuật. Tại đây Maiakovsky làm quen với David Burlyuk – một trong những thủ lĩnh của nhóm Vị lai. Burlyuk đánh giá cao tài thơ của Maiakovsky và khuyên nên tiếp tục sáng tác. Maiakovsky thường xuyên tham dự vào các buổi sinh hoạt văn nghệ và đọc thơ. Công chúng không thể không để ý một chàng trai – thi sĩ cao lớn, đẹp và rất thích tranh luận. Thời kỳ sau cách mạng Maiakovsky vẫn tích cực đi đọc thơ ở nhiều nơi. Được công chúng đánh giá là người đọc thơ hay tuyệt vời, giọng ngân vang và mạnh mẽ, là người biết truyền đạt đến người nghe những chi tiết của cả âm thanh lẫn sắc màu. 
Từng có một thời trong các sách giáo khoa ở Liên Xô người ta gọi Maiakovsky là “lá cờ đầu của thơ ca Tháng Mười”, là “sự thể hiện sống động của một kiểu nhà thơ mới – người chiến sĩ tích cực đấu tranh cho tương lai tươi sáng của dân tộc”vv… 

Sau khi Liên Xô sụp đổ một số người lại đòi vứt Maiakovsky khỏi “Con tàu Hiện đại” như ngày nào Maiakovsky cùng với một số người đã ký tên vào bản tuyên ngôn của nhóm Vị lai: “vứt Puskin, Dostoievsky, Tolstoy vv và vv… khỏi Con tàu Hiện đại”. Những suy nghĩ nông nổi qua đi, ngày nay ý kiến trên cũng sai lầm như nhóm Vị lai ngày trước. Bởi vì tài năng của Maiakovsky vô cùng to lớn. Maiakovsky không phải như D. Burlyuk hay A. Kruchenykh – những người cùng ký tên vào bản tuyên ngôn năm 1912. Di sản thi ca của Maiakovsky rất đồ sộ và sự cách tân hình thức thơ của Maia đã có ảnh hưởng không chỉ đến thơ ca Nga mà thơ ca cả thế giới. Trường ca Đám mây mặc quần (Облако в штанах) được coi là một kiệt tác của Maiakovsky. Bài thơ tình với cảm xúc mãnh liệt đến mức hoang dại. Nhà thơ tạo nên một hình thức mới, một hơi thở mới cho thơ ca Nga bằng việc cắt đứt vần điệu, trộn lẫn ngôn ngữ nói, cách thức biểu đạt thô thiển với những câu thơ mềm mại. Người ta vẫn thường so sánh Maiakovsky với T. S. Eliot (1885-1965) – nhà thơ Anh, nhà cách tân thơ ca Anh-Mỹ nửa đầu thế kỉ XX. 

Tác phẩm: 
*Ночь (Đêm, 1912), thơ 
*Владимир Маяковский (Vladimir Maiakovsky, 1914), bi kịch 
*Облако в штанах (Đám mây mặc quần, 1915), trường ca 
*Флейта-позвоночник (Cây sáo-cột sống, 1916), trường ca 
*Человек (Con người, 1916—1917), trường ca 
*Все сочиненное Владимиром Маяковским (Tuyển tập Vladimir Maikovsky, 1919) 
*150000000, 1921, trường ca 
* Владимир Ильич Ленин (Vladimir Ilich Lenin, 1924), trường ca 
*Хорошо! (Tốt lắm!, 1927), trường ca 
* Письмо Татьяне Яковлевой (Bức thư gửi Tatyana Yakovleva, 1928), thơ 
*Клоп (Con rệp, 1929), kịch 
*Баня (Nhà tắm, 1930), kịch 





LILYA!

Thay cho bức thư

Khói thuốc làm cho đặc bầu không khí.
Căn phòng –
cái đầu lâu nơi âm phủ.
Em còn nhớ
bên cửa sổ này
lần đầu
Anh điên cuồng ve vuốt đôi bàn tay.
Thế mà hôm nay ngồi đây
con tim trơ như sắt đá.
Ngày nữa
em đuổi ra
quở trách, biết đâu mà.
Trong phòng khách mờ tối
bàn tay gãy run lên không xỏ được áo vào.
Anh chạy ra mau
đem xác thân anh quăng ngoài đường phố.
Vẻ hoang dã
và cuồng điên
tuyệt vọng đến vô cùng.
Điều này thì không cần
em yêu ạ
em tốt quá
em hãy cho anh từ giã bây giờ.
Nhưng mà
tình yêu của anh –
một quả cân
quả cân nặng treo trên đầu em đó
dù em có chạy trốn xa gần.
Hãy cho anh tru lên trong tiếng kêu cuối cùng
nỗi đắng cay của những điều hờn giận.
Nếu người ta bắt con bò làm việc nặng
thì nó bỏ đi
đắm mình trong nước lạnh.
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có biển
mà trong tình em không được nghỉ ngơi.
Mong yên lặng, đã mệt mỏi con voi –
uy nghiêm nằm trên cát bỏng.
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có mặt trời
mà anh không biết em ở đâu và em ở với ai.
Giá mà em làm khổ nhà thơ nào như thế
thì thi sĩ
sẽ đổi em yêu lấy danh vọng và tiền
còn anh
không một tiếng vang nào vui sướng
ngoài tiếng vang của cái tên em.
Và anh sẽ không lao vào khoảng không
sẽ không uống vào thuốc độc
và cò súng vào thái dương không bóp.
Trên người anh
thiếu cái nhìn của em
không một lưỡi dao nào sắc được.
Ngày mai đây em sẽ quên
rằng anh đã đăng quang tên em
rằng tâm hồn nở hoa bằng tình yêu anh đốt
và hội hoá trang của những ngày khó nhọc
sẽ làm rối lên những cuốn sách của anh…
Những chiếc lá khô của những lời anh chăng
sẽ bắt buộc anh dừng lại
khao khát thở quá chừng?

Xin em hãy cho anh
dù, bằng vẻ dịu dàng cuối cùng sẽ trải
bước chân đã đi khỏi của em*.
26-5-1916
___________
*Tên của bài thơ này trong nguyên bản tiếng Nga là Lilychka – một cách gọi âu yếm tên Lilya, nhưng vì người Việt Nam ta không có cách gọi như vậy nên chúng tôi để nguyên tên. Đây là Lilya Yurievna Brick (1891 – 1978) – người tình, vợ của Maiakovsky. Tình yêu giữa Maia và Lilya đã thay đổi cuộc đời của cả hai người. Lilya trở thành Nàng thơ và là người dẫn đường của Maia trong nghiệp văn chương (tổ chức gặp gỡ, xuất bản tác phẩm và giải quyết những vấn đề tài chính…). Sau cái chết của Maikovsky, Lilya Brick trở thành người thừa kế chính thức của Maiakovsky.



BỨC THƯ GỬI TATYANA YAKOVLEVA

Trong nụ hôn lên bàn tay
hay bờ môi
trong cơn run thân thể
những người gần gũi thế
màu đỏ thắm
của những nước
cộng hòa của tôi
cũng cần phải
bừng lên
như lửa cháy.
Tôi không thích
tình yêu theo kiểu Paris:
đem trang điểm người ta
bằng nhung lụa
tôi dún người, chớp mắt
nói
tubo* –
bằng vẻ say mê
phát khùng với chó.
Chỉ một mình em
là cao bằng tôi thôi
em hãy đứng lại gần đây
ngang tầm mắt
em hãy để cho
về cái buổi
chiều này
kể những lời
rất chân tình, thân mật.
Năm giờ
và từ lúc ấy
rừng thông
mơ màng
của những câu thơ
thành phố trở nên
im ắng, hoang vu
chỉ còn nghe
có mỗi
tiếng còi tàu đi Barcelona.
Giữa trời đen
dáng đi của sấm
chớp
chửi nhau trong
vở kịch bầu trời
không phải cơn giông
mà đấy là
chỉ đơn giản
sự ghen tuông đang chuyển động sau đồi.
Em hãy chớ tin
dại dột những lời
đừng nhầm lẫn
sự lung lay, giũ xóc
tôi thắng cương
tôi kìm lòng
kẻ có dòng quí tộc.
Cơn đam mê
như vảy kết trên da
nhưng niềm vui
không hề khô cạn
sẽ rất lâu
và sẽ rất đơn giản
tôi trò chuyện bằng thơ.
Sự ghen tuông
những người vợ
những dòng nước mắt…
những mí mắt sưng
vừa vặn với Vio.
Tôi không tự mình
mà tôi
ghen tỵ cho
nước Nga Xô Viết.
Những miếng vá trên vai
tôi đã nhìn
và hơi thở
của bệnh
ho, lao phổi.
Nhưng dù sao
chúng tôi đâu có lỗi
khi nhọc nhằn
cả một trăm triệu dân.
Chúng tôi
bây giờ
sẽ rất mực dịu dàng
Với môn thể thao
uốn thẳng cho một số
những người như em
ở Mạc Tư Khoa rất cần
những cô gái chân dài
không hề đủ.
Không phải em
vào tuyết
và khói sương
từng đi qua
bằng những bàn chân đó
ở đây người ta
ve vuốt
mơn man
đem vào bữa ăn
của những vua dầu mỏ.
Em đừng nghĩ rằng
nheo mắt đơn giản thế
cái nheo mắt này
uốn thẳng những vòng cung.
Em hãy đi lại đây
hãy ngã vào lòng
ngã vào vòng tay của tôi
to rộng và thô kệch.
Em không muốn ư?
Thì đứng đó mà chịu rét
và điều này
là sự sỉ nhục
cho cả hai người.
Dù sao
thì tôi
cũng sẽ có lúc
đem theo em chỉ một
hoặc cả hai người với Paris.
1928
____________
*Dừng lại, chớ động vào.



PHONG CÁCH HEINE*

Đôi mắt em bừng lên như tia chớp
em nói rằng em đã nhìn
thấy anh đi cùng cô gái khác.
Rằng anh là người đê tiện nhất
rằng anh là kẻ thấp hèn.
Và em bước
đi trên đường
em vừa đi vừa rủa.
Anh chỉ là nhà bác học tầm thường, em yêu ạ
những tiếng sấm kia em hãy giữ cho mình.
Nếu như tia chớp đã không giết được anh
thì tiếng sấm rền
nói có trời, anh không sợ.
1920
_________
*Heine, Heinrich (1797 – 1856) – nhà thơ Đức.



CƯ XỬ VỚI CÔ NƯƠNG

Buổi chiều này đã quyết
còn anh và em có là người tình?
Trời tối đen
không ai nhìn thấy hết.
Và anh đã quì xuống thật
quả thật
là anh
trong khi cúi mình
nói với em
như người cha tốt bụng:
“Dục tình như vách dựng đứng
con làm ơn
đứng tránh ra bên đường.
Tránh ra bên đường
con nhé”.

1920

……………………………………