Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Thơ Sergei Esenin - Ê-xê-nhin


Sergei Aleksandrovich Esenin (3/10/1895 – 28/12/1925) – nhà thơ trữ tình Nga, là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất của thế kỷ XX.

Tiểu sử:
Esenin sinh ở làng Konstantinovo, tỉnh Ryazan trong một gia đình nông dân. Bố là Aleksandr Nikitich, mẹ là Tatyana Fyodorovna. Bố mẹ lấy nhau theo ý của ông bà chứ không phải vì tình nên sau một thời gian, mẹ đưa Esenin về sống nhà ông bà ngoại. Sau đó, mẹ đi tìm kế mưu sinh, Esenin được ông bà ngoại nuôi dạy. Ông ngoại là người sùng đạo và rất hiểu sách Thánh, bà ngoại là người thuộc nhiều chuyện cổ tích và những bài hát dân gian. Theo lời Esenin thì chính bà ngoại là người gợi cho ông những cảm xúc để viết những bài thơ đầu tiên. Esenin đầu tiên học ở trường làng, sau đó học ở trường của nhà thờ. Năm 1912, Esenin lên Moskva, nơi bố đang làm việc cho một thương gia. 

Năm 1913 vào học khoa sử-triết ở Đại học nhân dân Moskva và học ở đây trong một năm rưỡi. Thời gian này Esenin đã có con với Anna Izryadnova (hôn nhân không đăng ký). Năm 1914, tạp chí Mirok in những bài thơ đầu tiên của Esenin. Năm 1915, Esenin đến Petrograd gặp Aleksandr Blok và làm quen với nhiều nhà thơ nổi tiếng khác. Năm 1917, ông kết hôn lần thứ hai với nữ diễn viên Zinaida Raikh, họ có hai đứa con. Những năm 1918 – 1920, Esenin kết bạn với Anatoly Mariengof và tích cực tham gia vào nhóm hình tượng. Năm 1921, Esenin đi về vùng Ural và trung Á. Mùa thu năm 1921, Esenin làm quen với Isadora Duncan, hai người làm đám cưới vào năm 1922 và sau đó đi du lịch sang nhiều nước châu Âu và Mỹ. Năm 1923, Esenin lại say sưa với nữ nghệ sĩ Augusta Miklashevskaya, kết quả của cuộc tình này là tập thơ “Mối tình của tên du đãng”. Những năm 1924 – 1925, Esenin đi về vùng Kapkage (Azerbajan, Gruzia). Cảm xúc trước vẻ đẹp của vùng này cùng với ấn tượng về các nhà thơ Ba Tư cổ là nguồn cảm hứng cho ông viết tập thơ “Những mô-típ Ba Tư” – đỉnh cao trong sáng tạo của ông. 

Tháng 6 năm 1925, Esenin kết hôn với Sofia Tolstaya, cháu gái của đại văn hào Lev Tolstoy nhưng cuộc hôn nhân này cũng không mang lại cho ông hạnh phúc. Cuối năm 1925 ông đi về Leningrad, không cho vợ biết và tự kết thúc cuộc đời mình vào năm 30 tuổi ở khách sạn Anglettere. Về cái chết của Esenin, có nhiều giả thiết cho rằng không phải ông tự tử mà bị giết. Năm 1989 một hội đồng về cái chết của Esenin do Yuri Prokushev làm chủ tịch được thành lập và kết luận cũng không có gì mới.

Thơ của Esenin được dịch nhiều sang tiếng Việt, tiêu biểu nhất có quyển "Esenin - Thơ và Trường Ca" gồm 203 bài thơ và trường ca - bản dịch của Nguyễn Viết Thắng.



THƯ GỬI MẸ 
(Письмо матери) 

Mẹ của con giờ đây còn mạnh khoẻ? 
Mẹ kính yêu, cho con gửi lời chào 
Xin hãy để trên ngôi nhà của mẹ 
Toả ánh chiều trong nỗi nhớ nôn nao. 

Con nghe rằng mẹ giấu điều lo lắng 
Mẹ hay buồn, hay lo nghĩ về con 
Mẹ hay bước ra ngoài con đường vắng 
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn. 

Rằng mỗi khi qua làn khói lam chiều 
Mẹ nhìn thấy chỉ một điều khủng khiếp 
Có vẻ như trong một vụ đánh nhau 
Có ai đấy đâm con bằng dao thép. 

Chẳng sao đâu! Xin mẹ hãy yên lòng 
Đấy tất cả chỉ là cơn mộng mị 
Con đâu có còn đến nỗi lông bông 
Để chết đi khi chẳng nhìn thấy mẹ. 

Con bây giờ vẫn như thế, dễ thương 
Chỉ ao ước một điều rất đơn giản 
Sao cho thật mau thoát khỏi nỗi buồn 
Để trở về ngôi nhà ta thấp vắng. 

Con sẽ về khi hoa nở trên cành 
Mang hơi thở mùa xuân quanh vườn tược 
Chỉ có điều mẹ trong ánh bình minh 
Đừng thức con như tám năm về trước. 

Đừng thức dậy những giấc mơ đã tắt 
Đừng khơi lên mộng ước đã không thành 
Con là kẻ sớm chịu nhiều mất mát 
Nếm trải nhiều mệt nhọc giữa ngày xanh. 

Và đừng dạy con cầu nguyện. Không cần! 
Thời ấu thơ chẳng quay về lần nữa. 
Chỉ mẹ là niềm vui, niềm an ủi của con 
Chỉ mẹ – đối với con là ánh hồng khôn tả. 

Mẹ hãy quên đi những điều phiền muộn 
Mẹ đừng buồn, đừng lo lắng về con 
Đừng hay bước ra ngoài con đường vắng 
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn.



NƯỚC NGA XƯA
(Русь) 



Ngôi làng nhỏ chìm sâu trong thung lũng 
Những mái nhà con che khuất bởi cánh rừng. 
Chỉ nhìn thấy nơi gò cao, nơi trũng 
Một màu xanh vời vợi của trời xanh. 

Chó sói dữ từ cánh đồng trơ trụi 
Quen bóng tối dài đằng đẵng mùa đông. 
Quanh khắp sân sáng ngời lên sương muối 
Và tiếng ngựa kêu khụt khịt trong chuồng. 

Sau cành lá như đôi mắt cú vọ 
Bão tuyết nhìn vào những chiếc khăn nâu 
Và đứng sau lưới gỗ sồi dúm dó 
Như quỉ ma những cuộn sợi gai dầu. 

Chuyện ma quỉ luôn làm ta sợ hãi 
Rằng trên sông băng có những hố sâu 
Rằng những buổi tối mùa đông tê tái 
Trên bạch dương treo những sọi dây màu. 



Nhưng tôi yêu người, tổ quốc mến yêu ơi! 
Tại vì sao - điều tôi không thể nói 
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của người 
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội. 

Yêu biết bao tiếng đàn muỗi vo ve 
Trên khu lều những đêm mùa cắt cỏ 
Khi các chàng trai dạo đàn ta-lin-ka 
Các cô gái nhảy vòng quanh bếp lửa. 

Lung linh như phúc bồn tử đen huyền 
Những đôi mắt sau bờ mi rực lửa. 
Nước Nga của tôi, tổ quốc yêu thương 
Tôi sung sướng nằm lăn trên thảm cỏ. 





Quạ đen kêu báo tin điều tai hoạ 
Tiếng kêu dài inh ỏi giữa tầng không 
Rừng nổi gió, cây ngả mình bốn phía 
Nước dưới hồ sủi bọt trắng màu tang. 

Tiếng sấm nổ chẻ trời ra từng mảng 
Những đám mây đen trùm lấy khu rừng 
Từ màu vàng lẻ loi còn chút sáng 
Ngọn đèn trời tàn lụi giữa không trung. 

Sau cửa sổ những chàng trai nhập ngũ 
Đã được giao nhiệm vụ tới chiến trường 
Những người phụ nữ tiễn đưa nức nở 
Tiếng khóc dài đâm thủng cả tầng không. 

Những thợ cày tập trung nhau lặng lẽ 
Không nước mắt, không than vãn, buồn rầu 
Họ đem chất những bánh mỳ vào bị 
Rồi lên đường bằng một chiếc xe trâu. 

Những người dân theo họ đến cổng làng 
Rồi nói với họ những lời gì đó. 
Nước Nga ơi, đâu rồi những anh hùng 
Điểm tựa của Người trong thử thách gian khó. 



Ngôi làng nhỏ ngóng chờ tin mòn mỏi 
Ai biết giờ này nơi ấy ra sao? 
Tin tức đâu, thư từ đâu chẳng thấy 
Chốn đạn bom biết sống chết thế nào? 

Mùi trầm hương thơm lừng trong rừng nhỏ 
Tiếng gõ đều trong ngọn gió nhức xương. 
Bỗng một hôm không ai ngờ đến cả 
Có những người mang đến một chồng tin. 

Những người thợ cày nâng niu quyển sổ 
Người ta đưa cho ký nhận thư từ 
Các cô gái đưa bàn tay chộp lấy 
Dải băng viền quanh ở những bức thư. 

Họ dồn thư cho cô Lusha đọc 
Xúm vòng quanh gạn hỏi hết mọi điều 
Ngồi chồm hỗm nghe tin rồi họ khóc 
Khóc để mừng chiến thắng của người yêu. 



Ơi những cánh đồng, luống cày tươi rói 
Người đẹp hơn trong đau khổ của mình. 
Tôi yêu những túp lều tranh đứng đợi 
Những mẹ già tóc đã chẳng còn xanh. 

Tôi cúi xuống nâng niu đôi giày bện 
Hoà bình cho các ngươi liềm hái cày bừa. 
Qua ánh mắt những nàng dâu tôi đoán 
Số phận người chồng đang ở chiến trường xa. 

Tôi bằng lòng với nghĩ suy yếu dại 
Dù có trở thành hạt bụi, cây rêu. 
Tôi tin hạnh phúc với những người con gái 
Ngọn nến sáng lên như ánh sao chiều. 

Ý nghĩ họ, xem chừng không thể đếm 
Họ chẳng sợ gì sấm chớp, bão giông 
Sau cái cày những ước mong thầm kín 
Chẳng mơ về cái chết hoặc xiềng gông. 

Họ tin vào những dòng thư nguệch ngoạc 
Được viết ra với khó nhọc, nặng nề 
Họ khóc đón niềm vui và hạnh phúc 
Như trong mùa đại hạn đón cơn mưa. 

Với ý nghĩ người thân xa vời vợi 
Trên cỏ hoa còn đọng giọt sương trong 
Họ cảm thấy hình như sau làn khói 
Tiếng cười vui mùa cắt cỏ trên đồng. 

Ôi nước Nga, tổ quốc mến yêu ơi 
Chỉ tình yêu với Người tôi gìn giữ 
Tôi yêu niềm vui ngắn ngủi của Người 
Yêu tiếng hát mùa xuân trên đồng nội. 
1914



THƯ GỬI NGƯỜI PHỤ NỮ 
(Письмо к женщине) 

Em còn nhớ không 
Tất nhiên, em còn nhớ 
Khi anh đứng 
Dựa bức tường 
Em lo âu đi lại trong phòng 
Có điều gì gay gắt 
Như ném vào mặt anh. 

Em nói rằng 
Đã đến lúc hai ta từ giã 
Rằng em bị hành hạ 
Vì cuộc đời rồ dại của anh 
Rằng em phải lo cho công việc của mình 
Còn số phận của anh 
Như người trôi xuống dốc. 

Em thân yêu! 
Em đã chẳng yêu anh 
Đã không biết rằng trong cuộc đời 
Anh như con ngựa kiệt sức sùi bọt mép 
Bởi người cưỡi ngựa cứ thúc giục không thôi. 

Em không biết rằng 
Anh ở trong làn khói đặc 
Trong u mê cơn lốc xoáy cuộc đời 
Anh day dứt, không thể nào hiểu được 
Đi về đâu số kiếp nổi trôi. 

Mặt đối mặt 
Nhưng không nhìn thấy mặt 
Nhận ra nhau chỉ khi ở rất xa 
Khi mặt biển kia gào thét 
Thì con tàu trên đó sẽ lắc lư. 

Trái đất tựa con tàu 
Nhưng bỗng nhiên ai đó 
Vì những chân trời mới vinh quang 
Đã hướng thẳng con tàu vào dông tố 
Tay lái vẫn vững vàng. 

Thì có ai trên boong tàu rộng lớn 
Là người không ngã xuống, không nôn 
Chỉ có ai đã trải đời lão luyện 
Giữ được lặng yên trước sự tròng trành. 

Thì khi đó anh 
Trong tiếng ồn ào hoảng loạn 
Anh nhận ra công việc của mình 
Anh đi xuống hầm tàu 
Để không còn thấy người ta nôn mửa 
Và hầm tàu đó 
Chính là quán rượu Nga 
Anh lao vào với những cuộc say sưa 
Để quên đi đau khổ 
Và tự giết mình 
Trong những cơn say. 

Em thân yêu! 
Anh đã làm em khổ 
Đã từng có một nỗi buồn 
Trong đôi mắt em đó: 
Rằng trước mặt em anh đã 
Tàn phá đời mình không một chút tiếc thương. 

Nhưng em không biết rằng 
Trong làn khói đặc 
Trong u mê cơn lốc xoáy cuộc đời 
Anh vẫn hoài day dứt 
Anh đã không thể nào hiểu được 
Đi về đâu số kiếp nổi trôi. 

.................................................. .... 

Năm tháng qua nhanh 
Bây giờ anh đã thêm tuổi tác 
Đã suy nghĩ và cảm xúc theo kiểu khác 
Anh xin được nói câu chúc mừng 
Và khen ngợi kẻ lái tàu ngày trước! 

Hôm nay anh 
Thấy rạo rực trong lòng 
Anh nhớ lại nỗi buồn của em ngày trước 
Và bây giờ 
Anh vội vàng xin được 
Kể với em 
Anh ra sao và điều gì đã xảy ra! 

Em thân yêu! 
Anh sung sướng nói với em rằng: 
Anh đã may không bị rơi xuống vực 
Hôm nay đây trên quê hương Xô Viết 
Anh say sưa với những chuyến du hành. 

Anh đã trở thành 
Người khác hẳn ngày xưa 
Giá mà em còn ở đến bây giờ 
Anh đã không làm em khổ 
Vì ngọn cờ tự do 
Và vinh quang lao động 
Anh sẵn sàng đi đến biển Măng-sơ. 

Hãy tha lỗi cho anh... 
Anh biết rằng bây giờ em đã khác 
Em sống với người chồng 
Thông minh và nghiêm túc 
Em chẳng cần những đau khổ ngày xưa 
Và anh là kẻ 
Em đã không còn cần đến bao giờ. 

Em hãy sống cuộc đời 
Có ngôi sao đưa đường dẫn lối 
Một cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. 
Xin gửi lời chào em 
Một người mãi mãi nhớ đến em 
Người quen biết 
Xéc-gây Ê-xê-nhin. 
1924 



Xem: Sergei Esenin. 203 bài thơ Thơ và Trường ca


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét