Osip Emilyevich Mandelstam (tiếng Nga: О́сип Эми́льевич Мандельшта́м, 15
tháng 1 năm 1891 – 27 tháng 12 năm 1938) – nhà thơ, nhà văn Nga, một trong những
nhà thơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist (Đỉnh cao), Nga.
Tiểu sử:
Osip Mandelstam sinh ở Warsaw, Ba Lan trong một gia đình người Do Thái. Bố là một thương gia nên tuổi nhỏ Mandelstam được sống đầy đủ. Năm 1897 cả gia đình chuyển về Sankt-Peterburg. Từ năm 1900 đến năm 1907 học ở trường trung học Tenishesky, một trong những trường học có xu hướng tiến bộ thời bấy giờ. Từ nhỏ đã tỏ ra ấn tượng với vẻ kiến trúc hài hòa của Peterburg qua cuộc sống của cộng đồng Do Thái. Năm 1908 – 1910 học ở Đại học Sorbonne và Đại học Heidelberg. Năm 1911 vào học Đại học S. Peterburg và tốt nghiệp năm 1917. Năm 1923, sau khi tiếp xúc với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Osif Mandelstam đã nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa – không phải thứ văn hóa châu Âu, có lẽ đấy là nền văn hóa của tương lai”.
Mandelstam bắt đầu sự nghiệp thơ ca như một nhà thơ của phái hình tượng, chịu ảnh hưởng của Sologub và Tyutchev. Cuối năm 1912 tham gia phái Asmeist, kết bạn với Anna Akhmatova, Nicolai Gumilyov, xuất bản tập thơ đầu Камень (Đá, ba ấn bản: 1913, 1916, 1922). Thời kỳ Thế chiến I và Cách mạng tháng Mười (1916 – 1920) Mandelstam hoàn thành tập thơ thứ hai Tristia, xuất bản năm 1922, năm 1923 in lại dưới tên “Quyển sách thứ hai” đề tặng Nazezhda Khazina, vợ của nhà thơ. Những năm 1925 – 1930 Mandelstam chỉ viết văn, năm 1930 bắt đầu quay lại với thơ.
Tháng 11 năm 1933 ông viết bài thơ Мы живем, под собою не чуя страны... chỉ trích Stalin nên bị bắt vào trại cải tạo ở Voronezh. Tháng 5 năm 1937 được ra trại Voronezh. Năm sau lại bị bắt đi cải tạo ở vùng Viễn đông. Mandelstam mất ngày 27 tháng 12 năm 1938 trong trại cải tạo ở Vladivostok.
Tác phẩm:
*Камень (Đá, 1913, 1916, 1922), thơ
*Tristia, 1922, thơ
*Шум времени (Tiếng ồn của thời gian, 1923), văn xuôi
*Египетская марка (Con tem Ai Cập, 1927), văn xuôi
*Стихотворения (Thơ, 1928), thơ
*Слово и культура (Lời nói và văn hóa, 1922), tiểu luận
*О природе слова (Về bản chất của lời nói, 1922), tiểu luận
*Четвертая проза (Văn xuôi thứ bốn, 1930), văn xuôi
*Воронежские тетради (Những ghi chép ở Voronezh, 1935–1937), văn xuôi
*О поэзии (Về thơ ca, 1928), văn xuôi
*Разговор о Данте (Trò chuyện về Dante, 1933), văn xuôi
*Стихи о неизвестном солдате (Thơ về người lính vô danh, 1937), thơ
*Собрание сочинений: в 4 тт (Tuyển tập tác phẩm, 4 tập), tuyển tập
GỬI CASSANDRA(1)
(Кассандрe)
Anh không đi tìm những khoảnh khắc đầy hoa
Bờ môi em, Cassandra, hay ánh mắt
Nhưng những đêm không ngủ trong tháng chạp
Kỷ niệm xưa vẫn hành hạ hai ta.
Năm 1917, trong tháng chạp
Ta đã để mất tất cả, trong tình
Một người bị ý chí nhân dân cướp bóc
Còn người kia tự cướp bóc chính mình…
Rồi thủ đô sẽ có một khi nào
Trên bờ sông Nê-va, trong ngày lễ
Trong tiếng ồn đêm hội rất kinh sợ
Ai giật chiếc khăn tuyệt đẹp trên đầu.
Nhưng nếu như cuộc đời – cần mê sảng
Và một rừng thông – những ngôi nhà cao –
Anh đã yêu em, vụng về chiến thắng
Và một mùa đông dịch hạch năm nào.
Trên quảng trường với những xe bọc thép
Anh nhìn ra người ấy – một con người
Dọa bệnh than như chó sói dọa người
Hô: bình đẳng, tự do và luật pháp.
Còn em, Cassandra đớn đau, lặng lẽ
Anh đã không còn có thể nữa đâu em
Mặt trời Aleksandr(2) đã từng cháy lên
Một trăm năm trước soi cho tất cả?
__________
(1)Đây là bài thơ viết về Anna Akhmatova. Cassandra – theo thần thoại Hy Lạp là con gái của vua Priam.
(2)Aleksandr I (1777-1825) – Hoàng đế Nga từ năm 1801.
HÌNH BÓNG EM LUNG LINH VÀ KHỔ ẢI
(Образ твой, мучительный и зыбкий)
Hình bóng em lung linh và khổ ải
Anh không thể nào cảm nhận được trong sương
“Lạy Chúa tôi!” – anh nhầm lẫn kêu lên
Nhưng tự mình không nghĩ rằng nói vậy.
Tên thánh thần như một con chim lớn
Đã bay ra từ lồng ngực của anh
ở phía trước sẽ dày đặc màn sương
Còn phía sau còn chiếc lồng trống rỗng.
LADY GODIVA(1)
(С миром державным я был лишь ребячески связан)
Tôi với vẻ dại dột, ngây thơ thuở gắn mình vào thế giới hoàng gia, quí tộc
Sợ những món hải vị sơn bào và chỉ dám liếc mắt nhìn ngó đội vệ binh
Và tôi cũng không có trách nhiệm với họ dù chỉ một chút hồn mình
Bởi thế tôi không tự hành hạ mình vì dáng hình kẻ khác.
Với vẻ quan trọng ngô nghê tôi chau mày trong chiếc mũ như mũ nhà thờ
Tôi không đứng một mình dưới cột đá hành lang của nhà băng Ai-cập
Và trên sông Nê-va màu vàng chanh, sau tiếng xạc xào của tờ một trăm đồng rúp
Cô gái Digan trước mặt tôi đã không còn nhảy múa nữa bao giờ.
Cảm nhận thấy những trận tử hình, từ tiếng thét gào của thời loạn lạc
Tôi chạy về phía biển Đen, để tìm đến những nàng tiên
Và thế rồi vì những người đẹp thuở ấy, những cô gái châu Âu dịu dàng
Tôi đã chịu đựng biết bao nhiêu là ngượng ngùng cùng đớn đau khó nhọc.
Không hiểu tại vì sao đến tận bây giờ thành phố này vẫn còn thỏa mãn
Với những ý nghĩ và tình cảm của tôi theo lề lối cổ xưa?
Thành phố vì những cơn nóng lạnh trở nên càn rỡ hơn hết bao giờ
Với vẻ tự ái đáng rủa nguyền, với vẻ trẻ trung và trống rỗng.
Có phải tại vì tôi đã từng ngắm nhìn trong bức tranh từ thời tôi còn nhỏ
Quí bà Godiva buông tuồng ngồi trên lưng ngựa màu hung
Và tôi thầm vụng, lén lút tự nhắc nhở trong lòng:
“Lady Godiva, vĩnh biệt! Tôi không còn nhớ Lady Godiva nữa…”
__________
(1)Lady Godiva (980-1067) – nữ bá tước, vợ của ngài bá tước Leofric III. Theo truyền thuyết của Anh, Godiva là một phụ nữ tuyệt đẹp đã yêu cầu chồng giảm thuế nặng cho dân chúng Coventry. Leofric hứa sẽ giảm thuế cho dân nếu vợ ông khỏa thân cưỡi ngựa dạo quanh thành phố Coventry. Leofric tin chắc rằng Godiva không bao giờ chịu làm như vậy. Không ngờ Godiva đồng ý, mặc dù có một chút khôn vặt – nàng đề nghị dân chúng vào một ngày hẹn trước đóng hết cửa và không nhìn ra đường phố. Và thế là Godiva đi hết một vòng quanh thành phố Coventry. Ngài bá tước vô cùng kinh ngạc trước tinh thần dám xả thân của phụ nữ nên giữ lời hứa của mình, đã giảm thuế cho dân chúng. Cũng theo truyền thuyết thì trong ngày hôm đó chỉ có duy nhất một chàng Tom tò mò (Peeping Tom) đã lén lút ngó nhìn qua cửa sổ và chính ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy đã bị mù cả hai mắt.
CŨNG NHƯ BAO NGƯỜI KHÁC
(Я наравне с другими...)
Cũng như bao người khác
Anh muốn phụng thờ em
Những bờ môi khô khan
Vì ghen làm phép thuật.
Lời nói không xua được
Cơn khát của bờ môi
Thiếu em anh lại rồi
Khí hoang vu rậm rạp.
Không còn ghen chi hết
Nhưng anh muốn có em
Anh mang anh, tự mình
Như dâng cho đao phủ.
Không gọi tên em nữa
Không niềm vui không tình.
Thay dòng máu của anh
Bằng dửng dưng hoang dã.
Một phút giây thêm nữa
Và anh nói với em:
Chẳng vui mà đau khổ
Hình như tội lỗi đã
Đưa anh đến với em
Và châm chích cuống cuồng
Bờ môi màu thắm đỏ…
Quay về mau em nhé
Anh sợ chẳng có em
Anh không hề mạnh mẽ
Khi chưa cảm thấy em
Những gì anh muốn có
Anh nhìn thấy rõ ràng.
Không ghen gì em nữa
Nhưng anh gọi tên em.
DỊU DÀNG HƠN DỊU DÀNG
(Нежнее нежного...)
Dịu dàng hơn dịu dàng
Là gương mặt của em
Trắng hơn cả màu trắng
Là cánh tay của em
Cách cả cõi trần gian
Em bây giờ xa lắm
Và tất cả của em
Là điều không thể tránh.
Vì điều không thể tránh
Là nỗi buồn của em
Và những ngón tay êm
Cũng không hề nguội lạnh
Và tiếng động êm đềm
Từ những lời của em
Cũng không hề buồn nản
Và một cõi xa xăm
Của đôi mắt ngời sáng.
TA SỐNG ĐÂY
(Мы живём, под собою не чуя страны)
Ta sống đây mà không cảm thấy đất nước mình
Lời của ta sau mười bước chân không nghe rõ
Còn ở nơi bắt đi người đang trò chuyện dở
Nơi ấy người ta nhớ kẻ miền rừng ở điện Kremlin.
Những ngón tay thô, béo múp như những con trùn
Còn lời, giống như những quả cân, chính xác
Như những con gián cười hàng ria vểnh ngược
Và tỏa ánh hào quang ống bốt dưới bàn chân.
Còn xung quanh ông ta là một lũ lưu manh
Ông ta chơi những đầy tớ nửa người nửa ngợm.
Ai người huýt gió, ai kêu meo meo, ai than vãn
Chỉ ông ấy giọng đều đều chỉ xuống chỉ lên
Như rèn móng ngựa, ông chiếu chỉ bằng sắc lệnh
Ai vào mắt, vào trán, ai vào lông mày, vào bẹn
Ai không phải tử hình – quả là sướng như tiên
Và bộ ngực rộng của người đàn ông Ô-xê-tin.