Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Thơ Boris Pasternak


Boris Leonidovich Pasternak (tiếng Nga: Бори́с Леони́дович Пастерна́к, 29 tháng 2 năm 1890 – 30 tháng 5 năm 1960) – nhà văn, nhà thơ Nga Xô Viết đoạt giải Nobel Văn học năm 1958. 

Boris Pasternak sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ tài năng gốc Do Thái, theo học hội họa, âm nhạc triết học và lịch sử rồi quyết định theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1914 in tập thơ đầu tiên Người anh em sinh đôi trong mây đen. Những sáng tác của nhà thơ ngày càng được công chúng đánh giá cao, đến những năm 1930 ông được coi như một nhà thơ Xô Viết hàng đầu. 

Năm 1922, ông cho ra đời tác phẩm văn xuôi đầu tiên Thời thơ ấu của Lyuvers và kết hôn với nữ họa sĩ Evgenia Lurie. Năm 1931 Evgenia Lurie đi sang Đức chữa bệnh lao phổi thì cuộc hôn nhân này tan vỡ. 

Năm 1923 B. Pasternak in tập thơ Những chủ đề và biến tấu được đánh giá là một trong những đỉnh cao của thơ ông. Năm 1931, tự truyện Chứng chỉ hộ thân ra đời, bộc lộ rõ quan điểm của B. Pasternak với nghệ thuật, thiên nhiên và cuộc sống. Là người biết nhiều ngoại ngữ, những năm không có việc làm ông đã làm nghề dịch để kiếm sống - ông đã dịch thơ cổ điển Anh, Pháp, Đức, Gruzia, đặc biệt các bản dịch bi kịch Shakespeare được coi là hay nhất trong tiếng Nga. 

Từ năm 1945 đến 1955, B. Pasternak sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, Bác sĩ Zhivago, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Italia. Cuối năm sau, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Cũng trong năm này, B. Pasternak là người Nga thứ hai được trao giải Nobel Văn học vì những thành tựu lớn lao ông đã đạt được trong nền thơ trữ tình hiện đại, cũng như vì công lao tiếp nối các truyền thống của nền tiểu thuyết sử thi Nga vĩ đại, mà nổi bật nhất là Bác sĩ Zhivago - một trong những cuốn tiểu thuyết Nga hiện đại được đọc nhiều nhất ở nước ngoài. Do những áp lực chính trị, B. Pasternak buộc phải từ chối nhận giải (30 năm sau con trai ông mới nhận thay ông tấm bằng cao quý đó). 
Boris Pasternak mất vì bệnh ung thư phổi. 


Tác phẩm: 
- Những bài thơ đầu tay, in trong quyển “Thơ trữ tình” (Лирика, 1913). 
- Người anh em sinh đôi trong mây đen (Близнец в тучах, 1914), thơ. 
- Phía trên rào cản (Поверх барьеров, 1917), thơ. 
- Cuộc sống là chị tôi (Сестра моя жизнь, 1922), thơ. 
- Thời thơ ấu của Lyuvers (Детство Люверс (, 1922), truyện. 
- Những chủ đề và biến tấu (Темы и вариации, 1923), thơ. 
- Bệnh cao sang (Высокая болезнь, 1924), trường ca. 
- Trung úy Smidt (Лейтенант Шмидт, 1926), trường ca. 
- Đường trên không (Воздушные пути, 1924), truyện. 
- Chứng chỉ hộ thân (Охранная грамота, 1931), tự truyện. 
- Năm chín trăm lẻ năm (Девятьсот пятый год, 1927), trường ca. 
- Truyện vừa (Повесть, 1929), truyện. 
- Tái sinh (Второе рождение, 1932), tập thơ. 
- Trên những chuyến tàu sớm (На ранних поездках, 1943), thơ. 
- Khoảng bao la trái đất (Земной простор, 1945), thơ. 
- Bác sĩ Zhivago (Доктор Живаго, 1957), tiểu thuyết. 
- Con người và cảnh ngộ (Люди и положения, 1957), tự truyện. 
- Bút kí tiểu sử (Биографический очерк, 1959).



Tác phẩm thơ (52 bài) đã dịch ra tiếng Việt:

Bác sĩ Zhivago. Phần 17: 25 bài thơ.





1.HAMLET
(Гамлет)


Tiếng ồn ngưng. Tôi bước ra sân khấu
Tôi đứng dựa lưng vào mép cánh gà
Và nghe ra trong tiếng vọng từ xa
Là những gì trong đời tôi đang xảy.

Trong bóng tối mờ nhập nhoạng của đêm
Cả nghìn ống nhòm vào tôi đang chĩa
Áp-ba, Cha ơi, nếu như có thể
Chiếc chén này xin hãy để xa con*.

Con yêu ý tưởng ngang trái của Ngài
Và con đã từng đồng ý nhận vai.
Nhưng bây giờ đời diễn trò kịch khác
Thì lần này cho con được phép thôi.

Nhưng kịch bản đã dàn dựng hết rồi
Và điểm cuối con đường không thay đổi
Tất cả theo Pharisêu** mình tôi còn lại
Sống hết đời – đâu chỉ cuộc dạo chơi.
_______________
*Tác giả sử dụng một tích trong Kinh Phúc Âm – lời của Chúa Giêsu: “Áp-ba, Cha ơi, nếu có thể được, xin cất chén này xa con” (Mác, 14: 36). Lời này Giêsu nói trong lúc cảm thấy có sự ngờ vực, thời điểm trước khi Ngài bị bắt.
**Pharisêu - ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử Do Thái, họ là nhóm người quy tụ thành một đảng phái chính trị, một trường phái tư tưởng. Kinh Phúc Âm thường gọi họ là những kẻ giả nhân giả nghĩa. Tác giả dùng ở đây với nghĩa là những người xung quanh ông đều cam chịu sống theo những qui tắc đã được qui định sẵn.


2.THÁNG BA
(Март)

Mặt trời cố hết sức mình sưởi ấm
Và bờ khe như sôi sục, ngẩn ngơ
Để nàng xuân với công việc say sưa
Giống như cô gái chăn bò khỏe mạnh.

Tuyết héo hon, dường như đang đổ bệnh
Thiếu máu vật vờ trong những cành xanh
Nhưng cuộc sống trong chuồng bò bốc lên
Những chiếc cào hừng hực đầy sức sống.

Ôi những đêm, những ngày và những đêm
Giữa ban trưa giọt nước rơi tí tách
Những cột nước đóng băng giờ suy nhược
Những suối con không ngủ chuyện huyên thiên.

Cả chuồng bò, chuồng ngựa đều mở toang
Chim bồ câu trên tuyết mổ thóc ăn
Kẻ có lỗi và kẻ cho sức sống –
Là bãi phân tỏa không khí trong lành.


3.TRONG TUẦN THÁNH
(На Страстной)

Sương đêm bao phủ khắp nơi
Hãy còn quá sớm trên đời
Nên những vì sao vô khối
Và mỗi ngôi sao như ngày
Giá như mặt đất có thể
Thì đã ngủ cho ngày lễ
Phục Sinh - Thánh Vịnh khắp nơi.

Sương đêm bao trùm mặt đất 
Trời còn sớm trên thế gian
Mặt đất nằm như vĩnh hằng
Từ ngã tư đường đến góc
Và đến bình minh, ấm áp
Thì hãy còn cả nghìn năm.

Khi đất hãy còn trần truồng
Thì đêm có cũng như không
Còn cây chuông thì lúc lắc
Hòa theo lời hát tiếng đàn.

Và từ Thứ năm màu xanh
Cho đến Thứ bảy màu trắng
Nước từ bờ biển khoan lên
Và chỗ nước xoáy cuồn cuộn.

Và rừng hãy còn trần truồng
Và trong Tuần Thánh linh thiêng
Như một đám đông cầu nguyện
Là những ngọn thông vươn lên.

Còn trong thành phố, giống như
Trong cuộc mít tinh bên lề
Cây cối trần truồng nhìn ngó
Vào hàng rào của nhà thờ.

Trong ánh mắt chúng kinh hoàng.
Chúng hiểu ra điều lo lắng.
Bỏ hết rào giậu khu vườn
Mặt đất lung lay chuyển động
Chúng đem Chúa Trời đi chôn.

Thấy ánh sáng ở cửa Thánh
Khăn đen và cả dãy nến
Và những gương mặt lệ tràn
Ra gặp đám rước, bỗng nhiên
Có cả một tấm khăn liệm
Hai cây bạch dương bên cổng
Cần đứng tránh sang một bên.

Và đám rước đi quanh sân
Đi theo mép của con đường
Mang vào hiên từ ngoài phố
Mùa xuân, câu chuyện mùa xuân
Không khí và mùi vị của
Bánh Thánh và sự nhiệt thành.

Và tháng ba đem rắc tuyết
Trên cổng đám đông què quặt
Có vẻ như có một người
Bước ra, mở hòm giao ước
Đem phát hết cho mọi người.

Tiếng hát kéo dài đến sáng
Thổn thức nức nở thỏa lòng
Rồi từ bên trong im lặng
Trong hoang vắng dưới ánh đèn
Sứ đồ hay là Thánh Vịnh.

Nhưng nửa đêm bỗng lặng im
Thân xác nghe tiếng mùa xuân
Và chỉ khi đó hiểu được
Cần đấu tranh với cái chết
Bằng nỗ lực của Phục Sinh.




4.ĐÊM TRẮNG
(Белая ночь)

Anh dường như thấy lại một thời xa
Thấy ngôi nhà ở phía Pêtécbua
Người con gái của một bà điền chủ
Em đi học, em từ Cuốcscơ.

Em dễ thương có bao chàng ngưỡng mộ
Đêm trắng này chỉ hai đứa chúng mình
Ta ngồi trên bệ cửa sổ phòng em
Từ tầng nhà cao ngất nhìn xuống phố.

Ánh bình minh đã bắt đầu run rỡ
Chạm những ngọn đèn như những bướm ga
Những gì anh khe khẽ kể em nghe
Giống như là khoảng xa mơ màng ngủ.

Anh và em sẽ cùng nhau giữ kín
Sự thủy chung đến e ngại rụt rè
Như Pêtécbua toàn cảnh giăng ra
Bên kia sông Nêva là bất tận.

Ở đằng xa kia trong khu rừng rậm
Giữa đêm trắng trong mùa xuân này em
Bầy họa mi cất tiếng ca văng vẳng
Tiếng hót kia vang khắp cả khu rừng.

Tiếng hót véo von của chim lan tỏa
Giọng của con chim nhỏ bé mong manh
Thức dậy niềm vui và cảnh lăng xăng
Trong sâu thẳm của khu rừng quyến rũ.

Ở những nơi bằng chân trần lữ thứ
Đêm men theo bờ giậu đến nơi nào
Để dấu vết câu chuyện trộm đi theo
Sát gót đêm từ trên khung cửa sổ.

Trong tiếng vọng câu chuyện vừa nghe được
Lan khắp vườn cây có những ván rào
Những cành táo và những cành anh đào
Nở hoa khoác bộ áo màu trắng nhạt.

Cây như những bóng ma màu trắng toát
Đổ ra đường giống như một đám đông
Y hệt làm dấu ly biệt với đêm
Cái đêm trắng chuyện nhiều chưa nói hết.


5.ĐƯỜNG LẦY MÙA XUÂN*
(Весенняя распутица)

Ánh lửa hoàng hôn vừa cháy hết
Một người đi xuyên cánh rừng hoang
Phóng ngựa trên con đường ngập nước
Về khu trang trại ở Ural.

Con ngựa cái lúc lắc lá lách
Nước trong vũng chảy từ mạch nguồn
Dội vào móng sắt kêu lốp bốp
Hòa theo tiếng ngựa bước trên đường.

Khi người đàn ông buông dây cương
Ngựa đi nhẹ nhàng từng bước một
Nghe tiếng lũ băng kêu ầm ầm
Và tiếng nước xoáy sôi ùng ục.

Như ai đấy cười, ai đấy khóc
Tiếng đá va vào đá vỡ tung
Sau đó rơi vào nước xoáy vòng
Cùng với những cây vừa bật gốc.

Còn trong đám cháy của hoàng hôn
Ở chốn xa xa khắp lá cành
Nghe giống như là chuông báo động
Tiếng chim họa mi hót râm ran.

Nơi có cây liễu bên bờ mương
Rủ tấm khăn tang kẻ góa chồng
Như họa mi xưa từng đạo tặc
Trên bảy cây sồi chim hót vang.

Tiếng hót nhiệt thành, ngân vang ấy
Nhắm vào tai họa, nhắm vào ai?
Tiếng hót vang lừng như súng vậy
Bắn vào ai trong cánh rừng dày?

Có vẻ chim hóa thành yêu tinh
Từ nơi tù khổ sai trốn chạy
Gặp người đi bộ và đi ngựa
Về phía đồn du kích địa phương.

Đất và trời, rừng và đồng ruộng
Bắt âm thanh hiếm để cho nhau
Rồi chia theo những phần đều đặn
Có điên cuồng, hạnh phúc, khổ đau.
________________
*Đường lầy (Распутица) – là một khái niệm thuần Nga dùng để chỉ thời kỳ đường sá lầy lội khó đi do thời tiết. Hằng năm có hai thời kỳ như vậy: đường lầy mùa thu (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11) do trời mưa và đường lầy mùa xuân (từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4) do tuyết tan.


6.GIÃI BÀY
(Объяснение)

Cuộc sống quay về vô duyên cớ
Như từng đứt đoạn lạ lùng sao
Anh vẫn ở trên đường phố cũ
Như trong ngày hạ của năm nào.

Vẫn những con người, lo toan ấy
Đám cháy hoàng hôn vẫn như xưa
Buổi chiều chết chóc từng rất vội
Đóng nó vào tường của Trường đua.

Những phụ nữ áo quần nhếch nhác
Vẫn đôi giày ấy giẫm hàng đêm
Sau đó trên tầng lửng mái tôn
Bị người ta đóng đinh câu rút.

Một cô gái uể oải lê chân
Và chậm chạp bước ra từ ngưỡng
Rồi sau đó từ tầng hầm lửng
Di chuyển theo đường chéo qua sân.

Và tôi lại tìm cách thoái thác
Với mọi người tôi chẳng quan tâm
Cô hàng xóm đi vòng sau sân
Mặc chúng tôi hai người đối mặt.

Để khóc, đừng mím cặp môi sưng
Và em chớ làm nhăn khóe miệng
Kẻo em lại sẽ làm cho chúng
Tấy lên vì cơn sốt mùa xuân.

Hãy rút bàn tay khỏi ngực anh
Hai ta như đường dây dẫn điện
Hãy coi chừng kẻo mắt nhìn ngắm
Bị hút vào nhau rất vô tình.

Tháng năm trôi, em sẽ lấy chồng
Em sẽ quên những điều rắc rối
Làm đàn bà – bước đi vĩ đại
Trở thành điên – là sự anh hùng.

Sự thần kỳ của bàn tay phụ nữ
Của eo lưng, ngấn cổ, bờ vai
Tôi sẽ mang ân huệ suốt đời
Với lòng gắn bó của tên nô lệ.

Nhưng dù đêm tìm cách trói buộc
Bằng chiếc cùm buồn nhớ khôn nguôi
Ham muốn lìa xa vẫn mạnh trên đời
Nỗi đam mê rủ rê tôi đoạn tuyệt.


7.MÙA HÈ TRONG THÀNH PHỐ
(Лето в городе)

Những lời trò chuyện nhẹ nhàng
Với sự nhiệt tình vội vã
Cả búi tóc từ sau gáy
Được bó lên phía trên.

Từ phía dưới chiếc lược nặng
Thiếu phụ đội mũ ngước nhìn
Nàng hất mái đầu thật mạnh
Để bím tóc dày lơi buông.

Còn ngoài trời đêm nóng bức
Như báo trước có trời mưa
Những khách bộ hành gấp gáp
Để cất bước trở về nhà.

Tiếng sấm rã rời ngắt quãng
Tiếng vọng nghe đến chói tai
Và cơn gió thổi bay bay
Tấm rèm che trên cửa kính.

Vừa mới bắt đầu lặng im
Nhưng hơi nóng còn như cũ
Và khắp bầu trời đây đó
Những tia chớp vẫn nhì nhằng.

Khi ánh bình minh vừa lên
Cơn nóng vẫn còn oi ả
Làm khô nước trên đường phố
Sau trận mưa rào ban đêm.

Và những cây gia cổ thụ
Nở hoa thơm ngát mùi hương
Chúng đang đứng nhìn cau có
Vì chúng chẳng được ngủ ngon.


8.GIÓ
(Ветер)

Anh đã chết rồi, em vẫn sống
Còn gió than phiền, khóc nỉ non
Gió lay biệt thự, lay rừng rậm.
Không gì riêng lẻ mỗi cây thông
Mà gió lung lay cả cánh rừng
Với tất cả tận cùng xa thẳm
Như lay những chiếc thuyền buồm
Trong vũng tàu nước lặng.
Đấy không phải là tại vì ngạo mạn
Hay tại vì giận dữ cuồng điên
Mà để, trong nỗi buồn vô hạn
Tìm những lời gió hát ru em.


9.CÂY HOA BIA
(Хмель)

Dưới cây liễu, bụi trường xuân vây lấy
Buổi xấu trời ta ngồi tránh cơn giông
Lên những bờ vai ta khoác áo choàng
Vòng tay anh quanh người em quấn lại.

Anh đã nhầm. Bởi vì rằng cây ấy
Là cây hoa bia, đâu phải trường xuân
Thôi thì tốt nhất ta lấy áo choàng
Theo bề rộng chỗ mình nằm sẽ trải.



10.TRỜI ẤM ĐẦU THU
(Бабье лето)

Lá của phúc bồn tử thô và ráp
Trong ngôi nhà có tiếng kính cười vang
Người ta thái, băm thịt rồi đem ướp
Và cho thêm gia vị vào nước tương.

Khu rừng giống như người thích giễu cợt
Ném tiếng ồn lên vách đá cheo leo
Nơi phi tử bị mặt trời thiêu đốt
Giống như dùng lửa đám cháy để thiêu.

Ở nơi đây con đường xuôi hẻm núi
Ở nơi này gốc cây cũ héo khô
Và biết bao mảnh vụn của mùa thu
Tất cả cho vào khe này gom lại.

Ta thấy rằng vũ trụ này giản đơn
Hơn những người khôn ngoan thường suy nghĩ
Rằng khu rừng cũng có khi buồn bã
Mọi thứ đều đi về điểm cuối cùng.

Rằng chớp mắt kinh ngạc là vô nghĩa
Khi trước mặt anh tất cả thành tro
Và bồ hóng màu trắng của mùa thu
Thành mạng nhện giăng đầy lên cửa sổ.

Một lối mòn cắt bờ giậu đi ra
Rồi xuyên vào rừng bạch dương mất hút
Trong nhà tiếng cười và cảnh bếp núc
Thì cũng tiếng cười, cảnh ấy đằng xa.


11.ĐÁM CƯỚI
(Свадьба)

Đi cắt ngang mép sân
Khách ra đường hát múa
Chơi đàn phong cầm nhỏ
Cho đến tận bình minh.

Phía sau cửa bọc da
Trong ngôi nhà chú rể
Tiếng chuyện trò giảm nhẹ
Từ một đến bảy giờ.

Bình minh, đó là khi
Giá được ngủ và ngủ
Tiếng phong cầm lại rộ
Đoàn rước dâu đã về.

Đàn Ăc-coóc vang lên
Đàn Baian cũng thế
Lấp lánh những dây chuyền
Tiếng vỗ tay ầm ĩ.

Tiếng hát và tiếng đàn
Cứ vang lên như thế
Xộc thẳng vào tận giường
Của những người đang ngủ.

Một nàng như tuyết trắng
Giữa tiếng huýt, tiếng ồn
Bơi như một con công
Thân hình nàng uyển chuyển.

Mái tóc nàng dập dờn
Uốn cong bàn tay phải
Nàng nhảy múa trên sân
Như là con công mái.

Bỗng tiếng ồn náo nức
Tiếng dồn dập bước chân
Như rơi vào địa ngục
Như chìm vào nước sông.

Sân tỉnh giấc rộn ràng
Tiếng vọng của việc làm
Đan xen vào câu chuyện
Và tiếng cười giòn tan.

Vào trời xanh mênh mông
Như cơn lốc màu xám
Bầy chim câu cất cánh
Rời khỏi các chuồng chim.

Như người vừa tỉnh ngủ
Dấu tích cuộc hôn nhân
Lời chúc đã nhiều năm
Vẫn còn theo đuổi họ.

Cuộc đời chỉ khoảnh khắc
Chỉ là sự hòa tan
Ta vào bao người khác
Như quà tặng nhân quần.

Chỉ đám cưới, cửa sâu
Bay lên từ dưới đất
Chỉ giấc mơ, bài hát
Chỉ màu xám chim câu.




12.MÙA THU
(Осень)

Anh đã chia tay với những người nhà
Tất cả người thân từ lâu không hợp
Với một nỗi cô đơn như mọi khi
Trong thiên nhiên và trong lòng dâng ngập.

Giờ ngồi đây cùng em trong lều gác
Giữa hoang vu, trong rừng vắng không người.
Những lối mòn, như lời trong bài hát
Cây cỏ chỉ còn một nửa mà thôi.

Và giờ đây với một vẻ u sầu
Nhìn vào hai ta những bức tường gỗ.
Anh và em chẳng có gì cách trở
Hai đứa chân thành sẽ chết cùng nhau.

Ta ngồi canh một, đứng dậy canh ba
Em với bức thêu còn anh với sách
Đến gần sáng sẽ không hề nhận ra
Ta thôi hôn nhau lúc nào không biết.

Hãy ngang tàng và lộng lẫy xa hoa
Rắc đầy lên hỡi lá rừng xào xạc
Chén khổ tận cay đắng ngày hôm qua
Nỗi buồn hôm nay tràn trề hãy rót.

Nỗi lưu luyến, niềm say mê, vẻ đẹp!
Tan biến vào trong ầm ĩ mùa thu!
Em hãy vùi trong mùa thu xào xạc!
Và sẽ ngất ngây hay sẽ điên rồ!

Và em hãy vứt quần áo mình ra
Như rừng nhỏ trong mùa thu trút lá
Khi vào vòng tay của anh em ngã
Trong áo choàng với nét vẽ nhung tơ.

Em là hạnh phúc của bước thương đau
Khi cuộc sống chán chường hơn bệnh tật
Còn can đảm là ngọn nguồn cái đẹp
Chính điều này xích ta lại gần nhau.





13.TRUYỆN CỔ TÍCH
(Сказка)

Chuyện từ thuở hồng hoang
Ở xứ sở lạ thường
Có một chàng kỵ sĩ
Phóng ngựa trên thảo nguyên.

Chàng vội ra chiến trường
Trong đám bụi thảo nguyên
Rừng tối ở phía trước
Xa xa đã dựng thành.

Con tim đập dồn dập
Linh tính như bảo chàng:
Hãy coi chừng nguồn nước
Và giữ chặt dây cương.

Nhưng mà chàng chẳng nghe
Cứ thúc ngựa phóng đi
Không một chút lo sợ
Phóng lên ngọn đồi kia.

Rồi từ ngọn đồi con
Chàng phóng xuống thung lũng
Vượt qua bãi đất trống
Chàng vượt qua núi non.

Rồi qua một khe nhỏ
Chàng phóng theo đường rừng
Nhìn thấy dấu vết của
Thú hoang và nước nguồn.

Không để ý những gì
Mà linh cảm dặn dò
Chàng cho ngựa xuống dốc
Uống nước bên suối kia.

Bên bờ suối có hang
Trước hang – chỗ nước cạn
Dường như được soi sáng
Bằng ngọn lửa lưu huỳnh.

Trong làn khói đỏ bầm
Che khuất hết tầm nhìn
Từ nơi xa tít tắp
Tiếng gọi của rừng thông.

Chàng cảm thấy rùng mình
Cho ngựa theo khe núi
Và giục giã bước chân
Ngựa về nơi tiếng gọi.

Và khi chàng nhìn thấy
Thì ngọn giáo sẵn sàng
Cái đầu của con rồng
Cái đuôi và bộ vảy.

Miệng con rồng phun lửa
Rực sáng cả một vùng
Con rồng quấn ba vòng
Quanh lưng một cô gái.

Thân của con vật ấy
Như cái vòng roi da
Và cổ nó vươn tới
Vai của cô gái kia.

Xứ này có tập tục
Là bắt một giai nhân
Rồi sau đó đem nộp
Cho quái vật trong rừng.

Dân chúng ở trong vùng
Vẫn thường dùng vật cống
Để mua sự yên ổn
Cho những mái nhà tranh.

Con rồng quấn tay nàng
Và quấn ngang vòng cổ
Nó làm cho đau khổ
Hành hạ vật hiến sinh.

Kỵ sĩ ngước mắt nhìn
Trời xanh và cầu nguyện
Ngọn giáo cho trận đánh
Trong tay đã sẵn sàng.

Những bờ mi khép lại
Trời cao. Những đám mây
Nước. Bãi cạn. Sông dài
Tháng năm và thế kỷ.

Mũ của chàng đã vỡ
Và chàng đã bị thương.
Nhưng con ngựa chung thủy
Dùng chân giẫm con rồng.

Con ngựa và xác rồng
Bên cạnh nhau, trên cát
Chàng kỵ sĩ bị ngất
Cô gái cũng bàng hoàng.

Bầu trời trưa sáng tỏ
Êm ả một màu xanh
Nàng là ai? Quận chúa
Gái thường dân? Nữ hoàng?

Hoặc vì quá hạnh phúc
Nước mắt chảy hai hàng
Hoặc tâm hồn tràn ngập
Mơ mộng và miên man.

Hoặc khi chàng khỏe lại
Hoặc mạch máu đứng yên
Vì máu nhiều đã chảy
Mà sức lực không còn.

Nhưng tim đập thình thình
Cả hai người đều vậy
Vừa cố gắng tỉnh dậy
Lại rơi vào mê man.

Những bờ mi khép lại
Trời cao. Những đám mây
Nước. Bãi cạn. Sông dài
Tháng năm và thế kỷ.


14.THÁNG TÁM
(Август)

Như đã hứa, không một chút dối gian
Ông mặt trời thức dậy từ sáng sớm
Chiếu ánh sáng thành dải, màu vàng rộm
Suốt từ rèm cửa xuống tận đi văng.

Ông mặt trời đem ánh sáng màu vàng
Rải khắp xóm và khu rừng bên cạnh
Và trên gối, trên giường tôi lênh láng
Và sau giá sách, lên cả bức tường.

Theo từng chi tiết tôi nhớ lại rằng
Tại vì sao mà gối kia bị ướt.
Tôi mơ thấy rằng trong ngày tiễn biệt
Bạn bè tôi đi rảo bước trong rừng.

Đi thành đôi, riêng lẻ, cả đám đông
Và bỗng đột nhiên có ai đấy nhớ
Ngày mồng sáu tháng tám, theo lịch cũ
Ngày Giê-su trước môn đệ biến hình*.

Ánh sáng không có lửa, rất bình thường
Xuất phát từ núi Tabor hôm đó
Và mùa thu, như điềm lành, sáng tỏ
Thu hút về đây bao ánh mắt nhìn.

Các bạn tôi đi xuyên qua khu rừng
Những cây trăn trần truồng và run rẩy
Vào khu rừng màu đỏ trong nghĩa địa
Đang cháy lên như chiếc bánh gừng in.

Cùng những đỉnh cao yên lặng của rừng
Bầu trời ghé lại vô cùng trang trọng
Và bằng giọng của những con gà trống
Khoảng xa xôi lên tiếng thật rõ ràng.

Trong rừng này, giống như người đạc điền
Thần chết đứng giữa nghĩa trang cay nghiệt
Nhìn vào gương mặt của tôi đã chết
Để đào cho tôi cái hố vừa thân.

Và tất cả đều như cảm thấy rằng
Có một giọng nói của ai tĩnh lặng.
Đấy là giọng của tôi khi còn sống
Từng vang lên, khi còn ở trần gian.

“Thôi ta chào nhé, màu trời thiên thanh
Và màu vàng của ngày lễ biến hình
Vẻ âu yếm đã làm ta nhẹ bớt
Nỗi đắng cay trong giờ phút cực hình.

Thôi chào nhé, những năm tháng hỗn mang
Thôi nhé, bỏ qua vực thẳm nhục hình
Hỡi người phụ nữ đã từng thách thức!
Ta – sẽ là bãi chiến trận của em.

Thôi ta chào nhé, đôi cánh chim bằng
Của những chuyến bay bền bỉ kiên gan
Và hình ảnh thế giới trong từ ngữ
Và sáng tạo, và màu nhiệm Chúa ban”.
_____________
* Преображение Господне (hoặc Второй Спас) – tức Giêsu biến hình, là chi tiết được tường thuật trong Kinh Phúc Âm (Ma-thi-ơ, 17:1-8; Mác, 09:02-8; Luca, 9:28-36), trở thành một ngày lễ quan trọng của Thiên Chúa giáo.





15.ĐÊM ĐÔNG
(Зимняя ночь)

Khắp mặt đất màu trắng
Trắng xóa đến tận cùng.
Một ngọn nến cháy trên bàn
Cháy trên bàn ngọn nến.

Như trong mùa hè, một đàn ruồi nhỏ
Vào ngọn lửa đang bay
Những bông tuyết từ sân rơi vào đây
Bám vào khung cửa sổ.

Bão tuyết vẽ lên trên kính
Những vòng tròn và những mũi tên.
Một ngọn nến cháy trên bàn
Cháy trên bàn ngọn nến.

Trên trần nhà chiếu sáng
Những chiếc bóng nằm lên
Đan chéo những bàn tay, bàn chân
Đan chéo nhau số phận.

Và rơi xuống hai chiếc guốc
Với tiếng cộc cộc trên sàn
Và sáp từ cây đèn chong đêm
Như nước mắt vào áo quần nhỏ giọt.

Và tất cả đều biến mất trong sương
Màu bạc và màu trắng
Một ngọn nến cháy trên bàn
Cháy trên bàn ngọn nến.

Thổi vào ngọn nến từ trong góc
Cơn nóng quyến rũ đến lạ lùng
Giương đôi cánh giống như thiên thần
Đôi cánh có hình cây thập ác.

Cả tháng hai một màu tuyết trắng
Kể ra, chỉ là chuyện đương nhiên
Một ngọn nến cháy trên bàn
Cháy trên bàn ngọn nến.


16.CHIA LY
(Разлука)

Chàng đang đứng nhìn từ ngưỡng cửa
Mà chẳng nhận ra ngôi nhà của mình.
Nàng ra đi giống như người trốn chạy
Khắp mọi nơi dấu vết của tan hoang.

Khắp trong những căn phòng cảnh bề bộn
Nhưng mà mức độ của sự tan hoang
Thì chàng không thể nhận ra vì chứng
Đau nửa đầu và nước mắt ngập tràn.

Có tiếng ù trong tai từ sáng sớm
Chàng đang tỉnh táo hay mơ màng?
Và tại vì sao ở trong đầu chàng
Mọi ý nghĩ đều hướng về phía biển?

Khi nhìn qua sương muối trên cửa sổ
Thì ánh sáng của Chúa chẳng thấy đâu
Và sự bế tắc của nỗi u sầu
Với biển hoang – gấp hai lần giống thế.

Nàng đã từng là người chàng yêu mến
Và thân thương dù đường nét bất kỳ
Giống như biển luôn gần gũi với bờ
Bằng tất cả mọi lằn ranh của sóng.

Và cũng giống như những cây lau sậy
Bị nhấn chìm sau một trận cuồng phong
Những đường nét và vóc dáng của nàng
Đi vào tâm hồn chàng, chìm xuống đáy.

Trong những năm khổ nhục, vào thời kỳ
Mà đời sống tủi hờn không thể tưởng
Thì từ đáy sâu của số phận kia
Nàng đã đến với chàng như con sóng.

Và khi đó giữa vô vàn trở ngại
Từng vượt qua bao nguy hiểm gian nan
Con sóng đưa nàng, con sóng đưa nàng
Xô nàng đến người kề vai sát cánh.

Và bây giờ nàng đã ra đi hẳn
Có thể là do ép buộc gì thôi.
Sự chia ly ăn thịt cả hai người
Và nỗi buồn mang xương ra gặm nhấm.

Và chàng đứng nhìn xung quanh bốn phía
Vào cái thời điểm ra đi của nàng
Nàng đã lôi ra và lục lung tung
Mọi thứ lộn ngược trong từng ngăn tủ.

Chàng thơ thẩn, và đến khi trời tối
Chàng đem xếp đặt mọi thứ vào rương
Những mẫu thêu và những mảnh vải con
Bị nàng vứt lung tung khắp mọi phía.

Và bởi vì còn cây kim ở đó
Chưa rút đi nên đâm vào tay chàng
Đột nhiên tất cả hình ảnh của nàng
Chàng nhìn thấy và khóc thầm lặng lẽ.




17.GẶP GỠ
(Свидание)

Tuyết rơi trên những con đường
Trên những mái nhà thoai thoải
Anh bước ra khởi động đôi chân
Thấy em đứng ngoài cánh cửa.

Em một mình, mặc bành tô thu
Đầu không đội mũ, chân không ủng
Em đang ghìm nén niềm xúc động
Và bông tuyết ướt đang nhai.

Những bờ giậu và những cây
Khuất trong sương, xa tít tắp
Em một mình giữa tuyết rơi
Và em đứng vào trong góc.

Nước đang chảy từ chiếc khăn
Theo ống tay vào cổ tay áo
Và từng giọt, từng giọt sương
Trên mái tóc em nhấp nháy.

Và mái tóc vàng của em
Tỏa sáng ngời trên gương mặt
Trên thân hình, trên chiếc khăn
Và áo bành tô em khoác.

Tuyết trên bờ mi ẩm ướt
Và trong mắt một nỗi buồn
Cả vẻ ngoài của em được xếp
Chỉ từ một mẩu con con.

Em như làm từ thỏi sắt
Mạ bằng chất antimon
Để em trở thành vết cắt
Vết cắt vào trái tim anh.

Sự ngoan hiền của những nét này
Khắc vào tim anh muôn thuở
Bởi thế gian này đầy rẫy
Những gì nghiệt ngã, đắng cay.

Chính vì thế mà sẽ nhân lên
Cả đêm này trên tuyết trắng
Anh không thể đưa ra giới hạn
Giữa hai ta – giữa hai đứa mình.

Nhưng ta từ đâu, ta là ai
Khi từ những năm tháng ấy
Chỉ điều ong tiếng ve còn lại
Còn ta đã không có trên đời?


18.NGÔI SAO GIÁNG SINH
(Рождественская звезда)

Mùa đông đứng đó.
Gió thổi từ thảo nguyên.
Và Hài nhi lạnh lùng trong máng cỏ
Giữa sườn non.

Hơi ấm của con bò sưởi ấm Hài nhi
Có nhiều con thú
Đứng trong hang kia
Làn khói ấm lượn lờ trên máng cỏ.

Rũ áo lông khỏi rơm trong ổ
Khỏi những hạt kê
Những người chăn chiên ngái ngủ
Từ mỏm đá hướng miền xa nhìn về.

Xa xa là cánh đồng và nghĩa trang trong tuyết
Những văn bia mộ chí, những hàng rào
Một chiếc càng xe ngựa trong đống tuyết
Và bầu trời trên nghĩa địa đầy sao.

Còn bên cạnh, một ngôi sao không quen
Rụt rè hơn cả ngọn đèn dầu lạc
Trong cửa sổ nhỏ của chòi canh gác
Lấp lánh trên đường về thành phố Bêlem.

Ngôi sao này bốc cháy như đống rơm
Ở phía xa bầu trời, xa Thiên Chúa
Như phản chiếu đám cháy, như trang trại
Chìm trong lửa và đám cháy trên sân.

Nó nhô lên như đống cao đang cháy
Là đống cỏ khô hay một đống rơm
Đám cháy ở giữa hoàn vũ mênh mông
Đang hốt hoảng trước ngôi sao mới ấy.

Và cái vầng hồng càng sáng rực hơn
Thì nó có nghĩa là điều gì đấy
Làm cho ba nhà chiêm tinh vội tới
Theo tiếng gọi của ngọn lửa khác thường.

Sau họ có lạc đà mang quà tặng
Mấy chú lừa nhỏ bé có yên lưng
Từng bước ngắn đi từ trên núi xuống.

Bằng ảo ảnh của tương lai hiện lên
Tất cả những gì đi qua sau đó
Mọi xã hội, ước mơ và ý nghĩ
Tương lai của phòng tranh, viện bảo tàng
Mọi trò vui của tiên nữ, yêu tinh
Mọi cây thông, mọi ước mơ trẻ nhỏ.

Tất cả run rẩy của nến, mọi xích xiềng
Mọi vẻ huy hoàng của dây kim tuyến…
…Mọi dữ dằn của gió từ thảo nguyên
…Tất cả táo, mọi quả cầu vàng rộm.

Ngọn những cây trăn che một phần ao
Nhưng từ đây thấy rõ phần còn lại
Xuyên qua tổ quạ và những ngọn cây
Người chăn chiên có thể nhìn thấy rõ
Lừa và lạc đà đi dọc bờ ao.
Họ khép vạt áo và nói với nhau:
– Ta theo những người tôn thờ phép lạ.

Khua chân lâu trong tuyết cho ấm người
Những vết chân trần trên đồng rực sáng
Như những tấm mica dẫn vào chiếc lều.
Chó gầm gừ dưới ánh sáng của sao
Theo những vết chân như là lửa nến.

Đêm lạnh buốt giống như trong chuyện cổ
Có ai đó từ đống tuyết vun lên
Luôn vô hình nhập vào hàng của họ
Bầy chó thận trọng, sợ hãi nhìn quanh
Nép vào chân chủ đợi chờ tai họa.

Cũng trên đường ấy, cũng qua một vùng
Có mấy thiên thần đi giữa đám đông.
Họ vô hình vì họ không có xác
Nhưng trên đường vẫn để lại bước chân.

Rồi bên tảng đá tụ tập đám đông
Trời sáng dần. Thấy những ngọn tuyết tùng.
– Các ngươi là ai? – Mẹ Maria hỏi.
– Chúng tôi là những người chăn, là sứ giả
Từ trời xanh mang đến những lời khen.
– Không vào một lúc. Hãy chờ ở cửa.

Giữa màn sương buổi sáng xám như tro
Những kẻ chăn chiên giẫm chân đứng chờ
Người đi bộ cãi với người cưỡi ngựa
Lạc đà gầm lên, lừa giơ chân đá
Bên máng nước đẽo từ thân cây to.

Trời sáng dần. Và bình minh mang chổi
Quét những ngôi sao cuối giữa trời xanh.
Chỉ các Đạo sĩ trong số đám đông
Được Maria cho vào hang đá.

Người ngủ trong máng, hào quang rực rỡ
Như ánh trăng rọi vào đáy bộng cây
Thay cho áo lông cừu sưởi ấm Người
Là những mũi bò, môi lừa quanh đó.

Họ đứng trong bóng tối, như trong chuồng
Họ thì thầm, cố chọn ra từ ngữ
Bỗng có ai ở trong vùng tối đó
Dùng tay kéo Đạo sĩ sang một bên
Vị Đạo sĩ ngoảnh ra: từ cửa hang
Ngôi sao Giáng Sinh nhìn vào Đức Mẹ.


19.RẠNG ĐÔNG
(Рассвет)

Em từng trong số phận anh
Thế rồi chiến tranh, tàn phá
Thật lâu, thật lâu sau đó
Anh không còn nhớ về em.

Thế mà sau đấy nhiều năm
Giọng em làm anh lo lắng.
Đọc lời giao ước suốt đêm
Hồi sinh sau cơn ngất lịm.

Anh muốn chạy ra đám đông
Cùng với những người sôi nổi.
Anh đã sẵn sàng thay đổi
Với tất cả anh sẵn sàng.

Và anh chạy theo cầu thang
Như lần đầu tiên, hiếu động
Ra những con đường tuyết trắng
Đã từng một thuở vắng tanh. 

Khắp nơi ấm áp, người dân
Uống trà, vội đi làm việc
Chỉ vừa trong vòng mấy phút
Thành phố thay đổi quá chừng.

Dưới cổng cơn bão tuyết đan
Từ những mảnh rơi dày đặc
Để theo thời gian cho kịp
Dở dang ăn uống cũng đành.

Anh đồng cảm với người dân
Như anh sống cùng họ vậy
Anh tan ra, như tuyết chảy
Chau mày như buổi bình minh.

Những người không tuổi không tên
Cây cối, bà già, con trẻ.
Anh đành chịu thua tất cả
Đó là chiến thắng của anh.




20.PHÉP LẠ
(Чудо)

Người đi từ Bethany đến Giêrusalem
Mệt rã rời vì nỗi buồn đã biết
Bụi gai đã cháy khô trên đỉnh dốc
Khói không hề bay trên mái lều gần
Trời nóng bức và lau sậy đứng yên
Sự bất động im lìm trên Biển Chết.

Với nỗi đắng cay của biển cùng tranh chấp
Người bước đi cùng với những đám mây
Trên con đường bụi tới sân của ai
Đến thành phố cùng môn đồ họp mặt.

Người đắm chìm trong ý nghĩ của mình
Trên cánh đồn bốc lên mùi cây ngải
Tất cả lặng im. Mình Người đứng giữa
Còn cánh đồng nằm tê liệt mê man.
Tất cả lẫn lộn: khí nóng và bãi hoang
Những con thằn lằn, mạch nguồn, dòng suối.

Một cây vả nhô cao lên gần đấy
Cây không hề có quả, chỉ lá cành
Người hỏi cây: “Mi có ích gì chăng?
Ta vui gì khi nhìn mi đứng vậy?

Ta khát, đói mà mi thì vô sinh
Gặp phải mi khác gì đá hoa cương.
Ôi, thật đáng trách, mi loài vô dụng
Mi cứ là mi cho đến ngày tàn”.

Cơn run của lời nguyền chạy theo cây
Như tia chớp truyền theo cột thu lôi
Cây vả liền bị đốt thành tro bụi.

Thời điểm này nếu có phút tự do
Ở lá, cành, ở gốc và thân cây
Hẳn luật tự nhiên kịp thời can thiệp.
Nhưng phép lạ là phép lạ, là Chúa Trời.
Khi ta rối bời, khi ta cuống quít
Thì lập tức phép lạ hiện ra ngay.


21.ĐẤT
(Земля)

Mùa xuân ùa ra ôm lấy
Các biệt thự Mátxcơva
Bọ nhậy bay sau lưng tủ
Bò trên mũ của mùa hè
Người cất áo lông vào tủ.

Trên tầng lửng bằng gỗ
Người ta bày những chậu hoa
Cùng đinh hương và lan tử la
Và các gian phòng dễ thở
Mùi bụi từ gác xép bay ra.

Và đường phố thân tình
Với ô cửa mắt kèm nhèm
Cả hoàng hôn và đêm trắng
Không rời nhau ở bến sông.

Và có thể nghe ở hành lang
Những gì ở ngoài không gian
Biết tháng tư đang nói chuyện
Với giọt nước rất vô tình.
Nó biết hàng ngàn câu chuyện
Về đau khổ của người trần
Bình minh trên rào ló dạng
Kéo dài câu chuyện huyên thiên.

Lửa hòa trộn cùng với sự kinh hoàng
Thì cảm thấy khắp nơi đều ấm cúng
Và khắp nơi không khí không như mình
Và cũng vẫn là những cành liễu mỏng
Và cũng vẫn là những búp hoa trắng
Trên cửa sổ và trên ngã ba đường
Ngoài đường phố và cả trong công xưởng.

Thì tại sao khoảng xa khóc trong sương
Sao nấm mốc bốc lên mùi cay đắng?
Bởi thiên chức của tôi và sứ mệnh
Là làm cho những khoảng cách khỏi buồn
Để ở ngoài thành phố theo giới hạn
Mặt đất kia không buồn bã một mình.

Chính vì lẽ đó mà đầu xuân này
Tôi và bạn bè tổ chức gặp mặt
Và những tối vui là sự chia tay
Những buổi tiệc tùng là lời di chúc
Và để cái tia khổ đau bí mật
Sưởi ấm cho cơn lạnh của cuộc đời.


22.NHỮNG NGÀY TỆ HẠI
(Дурные дни)

Trong tuần lễ cuối cùng
Khi Người đi vào thành Giêrusalem
Dân Do Thái ra tung hô chào đón
Chạy theo sau, mang theo cả lá cành.

Nhưng tháng ngày mỗi lúc nghiệt ngã hơn
Những con tim tình yêu không chạm đến
Những hàng lông mày chau và khinh khỉnh
Và lời bạt là đây, là chỗ cuối cùng.

Và bầu trời như đè nặng xuống sân
Giống như chì, tất cả trong sức nặng
Bọn Pharisêu cố tìm ra bằng chứng
Trước mặt Người như lũ cáo lăng xăng.

Các thế lực đen tối của ngôi đền
Giao Người cho bọn lưu manh phán quyết
Và chúng nguyền rủa với bầu nhiệt huyết
Như trước đây từng ca tụng, thề nguyền.

Một đám đông ở khu đất bên cạnh
Đưa ánh mắt từ trong cổng nhìn ra
Cái kết cục họ trông ngóng đợi chờ
Vẻ sốt ruột, cứ hết lùi lại tiến.

Và tiếng rì rầm lan sang bên cạnh
Và lời đồn khắp bốn phía tỏa ra
Lần sang Ai Cập và thời ấu thơ
Chỉ được nhớ lại như là giấc mộng.

Và nhớ lại cái tảng đá trang nghiêm
Ở chốn hoang vu, và nơi dốc đá
Nơi mà Người bị Sa tăng quyến rũ
Với cái quyền bá chủ cả thế gian.

Và bữa tiệc vu quy ở Cana
Đám thực khách ngạc nhiên vì phép lạ
Trong màn mịt mờ trên biển cả
Người đi thuyền như đi trên đất kia.

Đám dân nghèo tụ tập trong lán trại
Họ cầm theo ngọn nến xuống tầng hầm
Nơi ngọn nến phụt tắt vì kinh hoàng
Khi Người vừa hồi sinh và đứng dậy…



23.MAĐƠLEN I
(Магдалина I)

Đêm xuống, con quỉ của con đã ở đây
Con trả nợ cho những gì trong quá khứ
Những ký ức của một thời đồi trụy
Sẽ đến đây, hút máu trái tim này
Ngày mà con là nô lệ của bao người
Con đã từng là một con điên ngu dại
Trú khắp đầu đường xó chợ, ở mọi nơi.

Chỉ còn lại mấy phút nữa mà thôi
Sẽ có sự lặng yên như dưới mồ tĩnh lặng
Nhưng trước khi chúng hò nhau kéo đến
Đến tận cùng con đập phá cuộc đời
Cuộc đời con, như chiếc bình ngọc trắng
Trước mặt Người.

Ôi, dù bây giờ nơi nào con đang ở
Thầy của con, niềm Cứu rỗi của con
Giá mà, khi mà đêm sẽ đến bên bàn
Thì vĩnh hằng không chờ con, không đợi
Và giống như một người du khách mới
Bị sa lưới nghề do bởi con giăng.

Xin Người giảng, thế nào là lỗi lầm
Và cái chết, địa ngục, lửa lưu huỳnh
Khi mà con đây trong mắt tất cả
Như chồi và cây, với Người gắn bó
Trong nỗi buồn không nói hết của con.

Hỡi Giêsu của con, khi con ôm
Bàn chân Người dựa vào gối của con
Thì có lẽ, con học được cách ôm
Cây xà bốn cạnh là cây thập ác
Và con ngất lịm hướng về cái xác
Sẵn sàng liệm xác của Người để chôn.


24.MAĐƠLEN II
(Магдалина II)

Trước ngày lễ mọi người đều dọn dẹp
Con tránh xa cảnh bận rộn lăng xăng
Và con tưới nước thơm từ trong bình
Vào đôi chân của Người vô cùng sạch.

Con lục lọi và không tìm thấy dép
Không thấy gì vì nước mắt đầy vơi
Trong mắt con như có một màng che
Do những lọn tóc xõa ra che lấp.

Đôi chân Người con áp vào vạt áo
Nước mắt rơi lên đó, Chúa của con
Con quấn chuỗi ngọc đeo cổ vào chân
Và tóc xõa trùm lên như áo phủ.

Con thấy rõ tương lai từng chi tiết
Tựa hồ như Người bắt chúng dừng chân
Và giống như những thầy bói Xibin**
Con bây giờ có khả năng đoán trước.

Ngày mai màn che rơi xuống trong đền
Chúng con tụ tập bên ngoài thành đám
Và đất ở dưới bàn chân rung chuyển
Có thể là vì thương hại cho con.

Đoàn áp giải sẽ đổi thay hàng ngũ
Sẽ tản về các phía bọn kỵ binh
Thập ác này sẽ hướng lên trời xanh
Như lốc xoáy trên đầu trong cơn bão.

Con phủ phục xuống đất, bên thập ác
Chết lặng người và mím miệng cắn môi
Đôi tay giang rộng để ôm nhiều người
Là đôi tay của Người trên thập ác.

Cho ai trên đời ngần ấy bao dung
Ngần ấy đớn đau và nguồn sức mạnh?
Có chăng trên đời bấy nhiêu đời sống?
Bấy nhiêu sông, núi, bấy nhiêu xóm làng?

Nhưng ba ngày như thế sẽ qua nhanh
Chúng đẩy con vào khoảng không rỗng tuếch
Và trong cái khoảng cách này khủng khiếp
Con sẽ lớn lên đến sự Phục sinh.
_______________
*Maria Mađơlen (Mai Đệ Liên) – theo kinh Phúc Âm là môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, người có mặt trong ngày Chúa bị đóng đinh cũng như ngày chôn cất và là người đầu tiên nhìn thấy Chúa phục sinh. Mađơlen là người từ một gái giang hồ trở thành một Nữ Thánh. 
**Xibin (Sibyls) – những người phụ nữ có tài tiên tri ở Hy Lạp thời cổ đại. Nổi tiếng nhất là Xibin ở Cumai, người đã xem bói cho Aineas.




25.VƯỜN GHẾTSÊMANI*
(Гефсиманский сад)

Ánh sáng của những ngôi sao hờ hững
Chiếu lên chỗ ngoặt của con đường
Núi cây dầu con đường chạy vòng quanh
Phía bên dưới là Kidron thung lũng.

Một nửa đồng cỏ dường như được cắt
Tiếp theo sau đồng cỏ – dải ngân hà
Và những cây ô liu đầy ánh bạc
Cố gắng theo không khí bước về xa.

Ở phía cuối khu vườn, một thuở đất
Người bỏ lại môn đệ sau bức tường
Và nói với họ: “Hồn ta bất an
Anh em ở lại để mà canh thức”.

Người từ chối, Người tránh sự đối đầu
Như là những thứ đi vay ai đấy
Từ chối quyền năng và sự nhiệm màu
Giống như người trần thế, như ta vậy.

Khoảng đêm xa bây giờ như mép cạnh
Của sự hủy diệt và cõi hư vô
Hoàn vũ mênh mông chẳng có một ai
Và chỉ khu vườn là nơi để sống.

Mắt Người nhìn vào những hố đen ngòm
Và trống rỗng, chẳng có đầu có cuối
Để cho chiếc chén chết này qua khỏi
Đẫm mồ hôi Người cầu nguyện Cha mình.

Lời cầu làm dịu vẻ mệt rã rời
Người bước ra khỏi bờ rào. Trên đất
Môn đệ của Người ngủ gà ngủ gật
Trên cỏ ven đường họ ngủ khắp nơi.

Người thức họ: “Chúa Trời xui anh em
Sống trong ngày của ta mà la liệt
Thôi đủ rồi, giờ của người đã hết
Người trao thân vào tay bọn lỗi lầm”.

Người vừa nói xong, chẳng biết từ đâu
Một đám đông nô lệ mang gậy gộc
Cùng gươm giáo, Giuđa đi phía trước
Với nụ hôn phản bội ở trên môi.

Phêrơ lấy gươm đánh bọn bất nhân
Chém đứt tai một tên trong số nọ
Nhưng nghe tiếng: “Hãy cho gươm vào vỏ
Ai cầm gươm rồi sẽ chết vì gươm**.

Anh nghĩ Cha Thầy không giúp Thầy chăng?
Người sẽ cho mười hai đạo binh thần
Một sợi tóc trên đầu không dám đụng
Và lũ kia chỉ có biến mất tăm.

Nhưng quyển sách đời giờ đã sang trang
Trang này quí hơn những miền thánh địa
Và những gì trong sách từng viết đó
Giờ phải trở thành sự thực. Amen!

Anh thấy đấy, dòng đời như châm ngôn
Và có thể đang giữa đường bốc cháy
Vì sự vĩ đại rất kinh hoàng ấy
Trong khổ đau Thầy xuống mộ vui lòng.

Thầy xuống mộ, ngày thứ ba đứng lên
Như những chiếc bè bơi trên sông nhỏ
Như đoàn thuyền đến trong ngày phán xử
Hàng trăm năm bơi ra khỏi bóng đêm”.
______________
* Đây là khu vườn mà Giêsu đến cầu nguyện và bị bắt tại đây do Giuđa phản bội (xem Phúc Âm Mathiơ, 26: 36-56; Mác, 14: 32-52. Luca, 22: 39-49). 
**Dòng này chúng tôi dịch đúng theo lời Giêsu trong Kinh Thánh hơn là theo thơ Pasternak. 


Những bài thơ khác:

(Phần Bác sĩ Zhivago xếp theo trật tự của tác phẩm, phần sau xếp theo trình 
tự thời gian sáng tác)


1.NGÀY HÔM NAY TẤT CẢ MẶC BÀNH TÔ
(Все наденут сегодня пальто)

Ngày hôm nay tất cả mặc bành tô
Những mầm cây khoác trên mình giọt nước
Nhưng tất cả không một ai nhận ra
Rằng anh uống say tiết trời vẩn đục.

Ánh bạc ngời những chiếc lá mâm xôi
Mặt sau lá hướng lên trời, ngửa mặt
Ngày hôm nay em buồn như mặt trời
Còn mặt trời như em – người phương bắc.

Ngày hôm nay tất cả mặc bành tô
Nhưng với ta không có gì bất lợi
Không có gì thay nổi cho hai ta
Thứ nước uống có màu hơi sẫm tối.
1913


2.GIẤC MƠ
(Сон)

Anh mơ thấy em trong kính hoàng hôn
Thấy bạn bè và em đang huyên náo
Trái tim anh như đại bàng say máu
Từ trời cao sà xuống giữa tay em.

Nhưng thời gian già đi và nghễnh ngãng
Để ánh hoàng hôn từ phía sau vườn
Cho khung cửa, đem ánh bạc nhuốm lên
Và cho kính, lệ máu trời tháng chín.

Nhưng thời gian già đi. Và mềm nhũn
Lụa quanh ghế bành tan chảy như băng.
Em cất tiếng, ầm ừ rồi bỗng lặng
Giấc mơ im như tiếng vọng của chuông.

Anh tỉnh giấc. Tựa mùa thu ảm đạm
Buổi bình minh và gió chạy về xa
Mang trận mưa rơm chạy ở sau xe
Và hàng dương theo bầu trời xa thẳm.
1913


3.CẤM CHẠM VÀO
(Не трогать)

“Cấm chạm vào đồ mới sơn” –
Linh hồn không biết giữ gìn
Và ký ức – giờ trong vết ố
Của môi, má, mắt, tay, chân.

Tôi có nhiều may mắn và bất hạnh
Hơn mọi người, vì tôi đã yêu em
Và cái ánh sáng trắng giờ ố vàng
Với em – từng trắng hơn phấn trắng.

Và màn sương của tôi, xin thề nguyện
Bằng một cách nào đó sẽ trở nên
Trắng hơn cơn mê sảng, chao đèn
Trắng hơn cả dải băng trên trán!
1917





4.TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU NÀY LÀ MÙA ĐÔNG
(До всего этого была зима)

Trên những bức rèm thêu ren
Là quạ.
Nỗi sợ giá băng trong đó
Đã buông. 

Đấy là tháng mười xoay vòng
Đấy là sự khủng khiếp
Đã sửa soạn móng vuốt
Để lên tầng. 

Chẳng nài nỉ, chẳng à ơi
Thì rên rỉ
Và dùng cây sào bảo vệ
Cho tháng mười. 

Ngọn gió kia chộp lấy
Những cành lá của cây
Dân tình chạy từ chung cư 
Đi mua củi. 

Tận đầu gối tuyết ngập
Vào cửa hàng
Có tiếng kêu lên:
“Lâu lắm rồi mới gặp!”

Biết bao lần tuyết từng vùi dập
Biết bao lần
Giữa mùa đông rắc từ móng guốc
Cocain!

Muối ướt từ những đám mây
Và từ cái hàm thiếc
Nỗi đau, như những vết ố từ mũ chụp
Đã lấy ra rồi. 
1917


5.SỰ KẾT THÚC
(Конец)

Tất cả là thực chăng? Lúc này đi dạo chăng?
Tốt nhất là được ngủ, ngủ, ngủ ngàn năm
Không nhìn giấc mơ nữa. 

Một lần nữa – đường phố. Lần nữa – rèm vải tuyn
Không phải đêm – mà đống cỏ, lời rên rỉ, thảo nguyên
Cả bây giờ cả về phía trước. 

Lá trong tháng tám, với bệnh hen trong từng nguyên tử,
Mơ thấy bóng tối và tĩnh lặng. Bỗng nhiên con chó
Chạy đánh thức cả khu vườn. 

Chờ – lắng xuống. Bỗng – người khổng lồ từ bóng đêm
Và người nữa. Những bước chân. “Ở đây có then”
Tiếng huýt gió và kêu lên: nằm xuống!

Trăng hết mình đổ ra và đổ
Xuống con đường ta đi! Nó là cái bờ giậu
Khổ vì em. 

Mùa thu. Chuỗi hạt màu vàng – xám.
Chiếc lá vàng, ta muốn chết như em
Vì không còn muốn sống!

Ôi, đêm không kịp làm theo điệu bộ
Của những con tàu: từng chiếc lá trong mưa
Mong về thảo nguyên, như những con tàu nọ. 

Cửa sổ tạo những cảnh cho tôi. Vô nghĩa
Cửa ra vào cũng mong được ghé hôn
Băng giá trên khuỷu tay nàng. 

Hãy giới thiệu tôi với một ai mà tôi đã gặp
Trong mùa gặt ở những cánh đồng
Của đất hoang và lúa mạch. 

Nhưng với sự sửng sốt, với sự nghẹn ngào
Trong cổ họng, nhưng với nỗi buồn của bấy nhiêu lời
Mệt mỏi vì kết bạn. 
1917


6.MÙA XUÂN
(Весна, я с улицы, где тополь удивлен)

Mùa xuân – tôi từ nơi có cây dương ngạc nhiên
Nơi miền xa sợ, ngôi nhà lo đổ xuống
Không khí xanh như tay nải áo quần
Của bệnh nhân vừa được ra bệnh viện.

Nơi buổi chiều hoang như câu chuyện giữa chừng
Bị ngôi sao bỏ rơi không còn tiếp diễn
Để nghìn đôi mắt náo nhiệt băn khoăn
Những đôi mắt rất sâu, không biểu cảm.
1918


7.ĐỪNG HỒI HỘP
(Не волнуйся, не плачь, не труди)

Đừng hồi hộp, muộn phiền, đừng khóc nữa
Sức hết rồi, chớ làm khổ con tim
Anh giữ em trong lồng ngực của mình
Như một dịp, như bạn thân, trụ đỡ.

Lòng tin vào tương lai anh không sợ
Em ngỡ anh như một kẻ hay lời
Ta chẳng liên minh, không phải cuộc đời
Điều gian dối hai người đem chặt bỏ.

Từ nỗi buồn của những người do dự
Em đi về miền thoáng đãng trời xanh
Như bàn tay, người anh em của anh
Như bức thư gửi dành riêng em đó.

Em xé toang vào giữa, như bức thư
Với nhận biết ở trong từng dòng chữ
Hãy bỏ qua những tháng ngày mệt lử
Và chuyện trò theo kiểu núi An-pơ.

Và ẩm thực vùng hồ Bavaria
Với óc núi chính xác vào xương tuỷ
Hãy tin rằng anh không người chơi chữ
Đem đặt vào đúng chỗ những dòng thơ.

Hãy lên đường. Mối ràng buộc hai ta
Và danh dự không còn chung mái nhà
Như mầm cây đang hướng về ánh sáng
Em bây giờ nhìn tất cả khác xưa.
1931
_______________
*Không lâu sau ngày viết bài thơ này Pasternak chính thức ly hôn với Evgenia Vladimirovna (Lurie) khi đó đi sang Đức chữa bệnh lao phổi và kết hôn với Zinaida Nikolayevna (Nauhaus), là vợ của một người bạn thân của Pasternak. 





8.YÊU NGƯỜI KHÁC
(Любить иных - тяжелый крест)

Yêu người khác – cây thập ác nặng nề
Em tuyệt vời, không quanh co, khúc khuỷu
Và điều bí ẩn của vẻ đẹp kia
Lời giải đáp tìm ra anh xin chịu.

Giữa mùa xuân anh nghe tiếng thì thầm
Tiếng xạc xào của những điều chân lý
Em sinh ra từ dòng dõi trâm anh
Ý nghĩ em vô tư như không khí.

Rất dễ thức giấc và rất dễ nhìn
Những lời bẩn từ trong tim rũ sạch
Sống mà không xả rác theo thời gian
Tất cả đấy chỉ là điều khôn vặt.
1931

9.NGƯỜI ĐỘC THÂN 
(Бобыль)

Thật buồn bã trong vườn
Vườn mỗi ngày mỗi đẹp.
Giá năm này ở vườn
Sẽ tràn đầy hạnh phúc.

Nhưng nơi ở của mình
Người ở không còn thương
Cho gia đình sơ tán
Để đi ra chiến trường. 

Một mình, không vợ con
Ở bên nhà hàng xóm
Ở đó để ngóng trông
Đợi chờ tin chiến thắng. 

Thường lui tới khu vườn
Và ra điểm đóng quân
Buổi hoàng hôn thường ngó 
Về hướng Xmôlen.

Trong vẻ đẹp chiều hôm
Gần Vyazma anh dũng
Rầm rập chạy trên đường
Những xe hàng năm tấn. 

Ông chưa già đến nỗi
Lời trách của tuổi xanh 
Khẩu súng săn của ông
Trẻ hơn hai mươi tuổi.
1941 


10.CÂU CHUYỆN KINH HOÀNG
(Страшная сказка)

Rồi tất cả sẽ thay đổi xung quanh
Thủ đô rồi sẽ được xây dựng lại.
Nhưng nỗi sợ của trẻ bị bom thức dậy
Sẽ không tha cho đến mãi ngàn năm. 

Không thể nào quên được nỗi kinh hoàng
Nỗi kinh hoàng hằn trên bao gương mặt
Và quân thù rồi đây sẽ trăm lần
Cho điều này, chúng phải trả giá đắt. 

Đời sẽ còn nhớ đến từng đợt súng
Rồi thời gian sẽ tính sổ hoàn toàn
Khi chúng làm những gì chúng muốn
Như vua Hêrôđê ở Bêlem*. 

Rồi sẽ đến một thời đại tốt hơn. 
Và những nhân chứng rồi đây biến mất.
Nhưng nỗi đau của những người tàn tật
Thì không thể nào quên. 
1941
______________
*Nhà thơ so sánh quân xâm lược với vua Hêrôđê ở Bêlem, người đã ra lệnh giết rất nhiều trẻ sơ sinh vì hy vọng trong số này có Giêsu vừa mới ra đời (Phúc Âm Mathiơ, 2: 7-12) 


11.MÙA XUÂN
(Весна – Все нынешней весной особое) 

Mùa xuân này mọi thứ đều đặc biệt
Tiếng của bầy chim sẻ hót hay hơn
Ngay cả tôi cũng không sao tả được
Vẻ dịu êm, trong sáng ở trong lòng.

Cả suy nghĩ rồi viết ra khác hẳn
Quãng trầm to ở trong bản đồng ca
Và giọng mạnh mẽ mà ta nghe ra
Là của vùng đất đai vừa giải phóng.

Và hơi thở mùa xuân của quê hương
Đem dấu vết của mùa đông rửa sạch
Khỏi không gian và quầng thâm từ mắt
Của người Slavơ một thuở đau thương.

Khắp mọi nơi hoa cỏ sắp nảy mầm
Và đường phố Praha cổ kính
Đang lặng im và quanh co uốn lượn
Nhưng sẽ vang lên như những bờ mương.

Những truyền thuyết của Morava và Séc
Và Xécbi với khát vọng mùa xuân
Sẽ xé toang bức màn che vô quyền
Như bông hoa nở bừng từ dưới tuyết.

Màn khói cổ tích trùm lên mọi thứ
Như vòng xoắn ốc trên những bức tường
Trong tư dinh dát vàng của quận công
Hay nhà thờ Thánh Vasily rực rỡ.

Với kẻ mộng mơ, kẻ thức canh khuya
Thì Moskva là nơi thân quí nhất
Hắn ngồi nhà, bên nguồn văn bản gốc
Của những gì cho thời đại nở hoa.
1944


12.TA MUỐN ĐẾN TẬN CÙNG
(Во всем мне хочется дойти)

Trong tất cả ta muốn đến tận cùng
Đến tận cùng của bản chất sự vật
Trong tìm kiếm con đường, trong công việc
Và trong cơn náo loạn chân thành.

Ngày đã qua muốn hiểu tận căn nguyên
Đến tận cùng nguyên nhân của chúng
Đến nguồn gốc, căn cơ tường tận
Đến cốt lõi, đến trọng tâm.

Tất cả thời gian bằng sợi chỉ của mình
Bao trùm lên sự biến thiên, số phận
Ta sống, yêu và nghĩ suy, cảm nhận
Và ta tạo ra những phát minh.

Ôi, giá mà ta có thể theo ý muốn
Dù là chỉ được một phần
Thì ta sẽ viết ra tám dòng
Về tính chất của đam mê, say đắm.

Về những giấc mơ, những điều vi phạm
Những cuộc trốn chạy, truy lùng
Về sự hấp tấp không chủ tâm
Về những cùi tay, những bàn tay lành lặn.

Ta sẽ chỉ ra qui luật riêng của nó
Chỉ ra sự bắt đầu
Và nhắc lại tên sau
Bằng những chữ đầu tiên của họ.

Ta chia câu thơ như chia khu vườn
Bằng run rẩy mọi đường gân thớ thịt
Những cây gia sẽ mọc lên tươi tốt
Và nối đuôi nhau theo một lối mòn.

Ta mang vào thơ hơi thở của hoa hồng
Hơi thở bị làm cho nhàu nát
Bởi mùa cắt cỏ trên đồng những cây cỏ lác
Và tiếng rì rầm của những cơn giông.

Từng có một thời ông nhạc sĩ Sô-panh
Đã viết ra những giai điệu diệu kì như thế
Là của những nấm mồ, công viên, những khu rừng nhỏ
Ông đem chúng vào trong những tác phẩm của mình.

Để đạt đến sự vinh quang
Thì trò chơi và sự đau đớn –
Như mũi tên bắn thẳng
Chỉ từ cung nỏ rất căng.
1956





13.LÀM NGƯỜI NỔI TIẾNG LÀ KHÔNG ĐẸP
(Быть знаменитым некрасиво)

Làm người nổi tiếng là không đẹp
Đâu phải vì nổi tiếng mới lên cao
Những giấy tờ, lưu trữ đừng tích cóp
Trước những trang bản thảo chớ nôn nao.

Mục đích của sáng tạo là dâng hiến
Đâu phải vì thành tích, tiếng ồn ào
Đem biến mình thành những lời truyền miệng
Cho người đời, thật xấu hổ làm sao.

Ta cần sống khiêm nhường, không tự bạch
Phải sống sao, bởi suy xét cho cùng
Để tiếng gọi tương lai nghe thấy hết
Nhận về tình luyến ái của không trung.

Cần phải biết để chừa ra khoảng trống
Trong số phận mình, không phải trong thơ
Trong cuộc đời có những chương, những đoạn
Cần tô đậm lên cho khỏi lu mờ.

Và phải biết đắm chìm vào quên lãng
Trong vô danh giấu những bước chân ta
Như làng mạc ẩn mình trong sương sớm
Sương khói mịt mù không thể nhìn ra.

Những kẻ khác theo bước chân sống động
Bám gót ta đi qua chặng đường mình
Nhưng đành ngậm ngùi nhìn lên chiến thắng
Mặc người đời, ta không phải bận tâm.

Và phải biết không một tấc ngắn ngủi
Đừng để đánh mất gương mặt con người
Cần phải sống làm một người sôi nổi
Và vui tươi cho đến cuối cuộc đời.
1956


14.KHÔNG ĐỀ
(Без названия)

Hay hờn dỗi, vốn rụt rè thường nhật
Em tôi cháy lên như lửa bây giờ
Hãy cho phép anh giam cầm vẻ đẹp
Trong ngôi nhà rất tăm tối của thơ.

Hãy xem kìa, đang thay hình đổi chỗ
Như lửa cháy lên quanh cả chao đèn
Căn phòng nhỏ, và mép tường, cửa sổ
Và bóng, hình của cả anh và em.

Giờ em đang ngồi trên chiếc đi-văng
Và co chân theo kiểu như người Thổ.
Dù dưới ánh sáng hay bóng tối đen
Em đều tranh luận giống như trẻ nhỏ.

Vẻ mơ màng, bàn tay em xâu chuỗi
Để lăn ra trên váy những hạt cườm
Dáng vẻ ngoài của em buồn quá đỗi
Và những lời trò chuyện thật giản đơn.

Lời tình yêu tuôn ra, và em đúng.
Anh nghĩ ra tên gọi khác cho em.
Tất cả lời, cả thế giới, vì em
Anh thay tên khác nếu như em muốn.

Chẳng lẽ cái vẻ bên ngoài u ám
Thể hiện tầng sâu tình cảm của em
Tầng sâu bí ẩn của tim lấp lánh?
Nhưng tại vì sao mắt đượm vẻ buồn?
1956


15.GIÓ
(Những dòng về Blok)

Ai sẽ sống và sẽ được tôn vinh
Ai phải chết và chịu điều phỉ báng –
Người biết rõ là những tên xu nịnh
Chỉ một loài nịnh hót có uy quyền.

Sẽ không ai biết điều gì xảy ra
Puskin là vinh quang hay chẳng
Không cần chi đến những trang luận án
Cho những dòng ánh sáng đã rót ra.

Nhưng Blok, may mắn thay, không vậy
Đối với anh, chuyện đó, khác với người
Anh không xuống với ta từ Sinai
Và không coi ta như là con cái.

Anh nổi tiếng không theo chương trình nào
Mãi đứng ngoài trường phái và chính thể
Anh không được tạo bằng những bàn tay
Và không áp đặt ta cùng ai cả.
_______________

Anh lộng gió và anh như ngọn gió
Ngọn gió gào trong thái ấp những ngày
Như ở đó có một người đuổi ngựa
Nói trên phía đầu những chiếc bánh xe.

Và từ thời ông nội anh đã sống
Bằng tâm hồn trong sáng một con người
Chính vì thế những gì không nhỏ mọn
Đứa cháu sau này không để buông xuôi.

Ngọn gió này xuyên qua dưới xương sườn
Vào tâm hồn, suốt bấy nhiêu năm tháng
Và tiếng xấu cũng như cả tiếng thơm
Nhắc đến trong thơ để thơ cất tiếng.

Ngọn gió này khắp nơi. Anh ở nhà
Trong làng mạc, trong mưa, trong cây cỏ
Trong thơ ca của tập thơ thứ ba
Trong cái chết, trong “Mười hai chiến sĩ*”.
1956
_________
*Một tác phẩm của Blok


16.TÂM HỒN
(Душа)

Hồn ta – người che chở
Bao bè bạn quanh ta
Ngươi trở thành hầm mộ
Cho người bị khảo tra. 

Ngươi ướp thân xác họ
Dâng họ những vần thơ
Như cây đàn nức nở
Khóc than họ đến giờ. 

Giữa cái thời ích kỷ
Vì nỗi sợ, lương tâm
Ngươi trở thành chiếc lọ
Đựng những nắm tro tàn. 

Những khổ đau của họ
Đè trĩu nặng trên lưng
Ngươi bốc mùi tử khí
Của xác chết, mộ phần. 

Hồn ta là nghĩa địa
Những gì thấy nơi này
Đem nghiền như cối xay
Trộn vào nhau tất cả. 

Cứ nghiền như vậy nhé 
Những gì đã cùng ta
Gần bốn chục năm qua
Thành đất mùn nghĩa địa.
1956


17.MÙA THU
(Здесь прошелся загадки таинственный ноготь) 

Vừa lướt qua đây móng tay đầy bí ẩn
- Muộn rồi, thôi ngủ, rồi sẽ hiểu ra
Một khi chưa ai thức ta dậy, em à
Không ai được chạm vào em như anh chạm.

Anh chạm vào em! Dù môi anh như đồng
Xúc động như khán phòng trước thiên bi kịch
Nụ hôn như mùa hạ. Chậm chạp và chậm chạp
Và chỉ sau này mới đổ xuống cơn giông. 

Uống như chim. Ngây ngất đến tận cùng
Những vì sao từ từ chảy vào thực quản
Những chú sơn ca mở mắt và rung động
Uống cạn từng giọt nhỏ của trời đêm.
1956



18.EVA
(Ева)

Những hàng cây đứng yên bên hồ nước
Còn buổi trưa từ trên một bờ cao
Lấy những đám mây ném vào hồ nước
Như cái đăng của ngư phủ năm nào. 

Và vòm trời chìm xuống như lưới bủa
Vào bầu trời này y hệt lưới văng
Một đám đông người tắm bơi, gồm có –
Những đàn ông, phụ nữ và trẻ em. 

Năm-sáu người phụ nữ từ dưới nước
Bước lên bờ, nơi không một tiếng ồn
Và họ đem vắt áo quần trên cát
Những bộ đồ quần áo tắm của mình. 

Và cũng giống như những con rắn nhỏ
Những sợi dây xanh đỏ quấn vòng quanh
Có vẻ như con rắn từng cám dỗ
Giấu kín trong chiếc quần lót ướt đầm. 

Ôi phụ nữ, mắt và vẻ ngoài em
Không một chút làm cho anh khó xử
Tất cả người em – dường như chặn cổ
Khi người ta cơn xúc dộng cố ghìm.

Em được tạo ra giống như bản nháp
Như một dòng từ một chu kỳ khác
Có vẻ như không đùa trong giấc mơ
Em sinh ra từ xương sườn của ta. 

Và ngay lập tức thoát khỏi bàn tay
Và nhoài ra khỏi vòng tay ôm này
Em tự mình – bối rối và sợ hãi
Và tự mình bóp chặt trái tim ai. 
1956


19.LÚA MÌ
(Хлеб)

Kiến thức anh cóp nhặt nửa đời người
Nhưng vào vở anh không hề ghi chép
Và nếu như anh không người khuyết tật
Thì phải hiểu điều gì đấy mà thôi. 

Anh hiểu ra lạc thú của việc này
Hiểu qui luật thành công và bí quyết
Rằng kẻ ngồi không là người đáng trách
Hạnh phúc nào thiếu được chiến công đây. 

Điều gì đợi những bàn thờ, mặc khải
Của bao hiệp sĩ, của những anh hùng
Vương quốc của cây rậm dày cây cối
Vương quốc của thú hùng mạnh vô song. 

Rằng điều mặc khải như thế đầu tiên
Trong sự trùng phùng của bao số phận
Ông cha để lại món quà quan trọng
Là lúa mì gieo cấy đã ngàn năm. 

Rằng lúa mì, lúa mạch ở trên đồng
Không chỉ gợi cho ta mùa gặt đập
Mà thuở nào đấy trang này đã viết
Ông cha của anh đã viết về anh. 

Rằng điều này là lời của cha ông
Là sự mở đầu vô cùng kỳ diệu
Giữa những vòng trái đất quay mê mải
Là sự sinh, sự chết, những đau buồn.
1956


20.DẤU CHÂN TRÊN TUYẾT
(Следы на снегу)

Những dấu chân con gái đi nghiêng
Về phía hoàng hôn trên cánh đồng
Dấu đôi ủng dạ in trên tuyết
Đi từ thôn này lại tới thôn. 

Một đứa bé nép vào bên mẹ
Ánh mặt trời như nước vàng chanh
Chảy vào trong những hầm, những hố
Biến thành những vũng sáng trên băng. 

Rồi chúng nguội đi như lòng trứng
Mà vỏ trứng đã vỡ từ đêm
Và xe trượt cắt ngang qua chúng
Bằng vệt màu xanh ở trên đường. 

Trăng như bánh xèo trong váng sữa
Lúc nào cũng chỉ muốn lăn nghiêng
Những xe trượt tuyết theo sau nó
Nhưng mà không có Bánh Mì Tròn*. 
1957
_________
*Bánh Mì Tròn là một nhân vật Văn học trong truyện dân gian Nga.


21.TUYẾT RƠI
(Снег идет)

Tuyết rơi, tuyết rơi
Trong bão tuyết hướng về ngôi sao nhỏ
Hoa trúc quì hướng lên trời
Ngoài khung cửa sổ.

Tuyết rơi, tất cả đều luống cuống
Tất cả lên đường
Những bậc cầu thang đen thẫm
Rẽ ngoặt ngã tư đường.

Tuyết rơi, tuyết rơi
Có vẻ như từng bông không rơi xuống
Còn trong chiếc áo bành tô rộng
Rơi xuống đất – bầu trời.

Có vẻ như gương mặt kẻ dở hơi
Từ trên gác thượng
Chơi trò ú tim vụng trộm
Và rơi xuống – bầu trời.

Bởi vì cuộc đời không chờ đợi
Em đừng nhìn - đã dịp Giáng sinh(1)
Chỉ khoảng cách ngắn ngủi
Và năm mới – hãy nhìn.

Tuyết rơi dày đặc
Thành đống dưới chân ta
Với nhịp điệu hững hờ
Hay là nhanh chóng mặt
Như thời gian trôi qua?

Năm tháng, có thể là
Như tuyết rơi, nối tiếp
Hay như lời trong thơ?

Tuyết rơi, tuyết rơi
Tuyết rơi, tất cả đều luống cuống
Người bộ hành tuyết trắng
Hoa cỏ ngạc nhiên
Rẽ ngoặt ngã tư đường.
1957
___________
(1)Lễ Giáng sinh ở Nga (Chính thống giáo) vào ngày 7 tháng 1. Dịp Giáng sinh (Svyatky) - là quãng thời gian từ 25 tháng 12 (tức 7 tháng 1) đến 6/ 19 tháng 1, ngày Giêsu được làm phép rửa.


22.NHỮNG NGÀY DUY NHẤT
(Единственные дни)

Trong suốt rất nhiều mùa đông
Ta nhớ những ngày đông chí
Mỗi ngày đều không lặp lại
Và lặp lại đến vô cùng. 

Thời gian cứ thế, dần dần
Đem xâu vào thành một chuỗi
Những cái ngày duy nhất ấy
Ngỡ như thời gian lặng ngừng. 

Ta còn nhớ rõ như in:
Khi đông đang về điểm giữa
Đường lầy, mái nhà nước rỏ
Mặt trời sưởi ấm trên băng. 

Những người yêu như trong mộng
Tìm đến với nhau vội vàng
Trên cây cối giữa lá cành
Tổ chim mồ hôi ướt đẫm.

Và kim đồng hồ biếng lười 
Uể oải nhích trên mặt số
Một ngày dài hơn thế kỷ
Vòng tay ôm mãi không rời.
1959





23.GIẢI THƯỞNG NOBEL
(Нобелевская премия)

Tôi mất hút, sa vào như con thú
Đâu đó tự do, ánh sáng, con người
Tiếng thét gào, xua đuổi sau lưng tôi
Nhưng lối thoát bên ngoài không hiện rõ.

Khu rừng tối và bên hồ nước
Gỗ thông già chất đống khắp nơi
Cả bốn phía chặn bước con đường tôi
Tôi chịu đựng, dù thế nào cũng được.

Có phải tôi làm điều chi thô bỉ
Tôi là tên ác độc, kẻ giết người?
Tôi chỉ làm cho lệ thế gian rơi
Trước vẻ tuyệt vời của đất đai quê mẹ.

Cái chết đã cận kề, nhưng dù thế
Tôi vẫn tin rồi sẽ đến một thời
Khi tinh thần thánh thiện sẽ lên ngôi
Sẽ chiến thắng thói đê hèn, phẫn nộ.
1959



24.HÃY HỌC THA THỨ
(Учись прощать)

Hãy học tha thứ… Cầu nguyện cho kẻ từng xúc phạm
Hãy biết thắng cái ác bằng ánh sáng của lòng nhân.
Đi theo người tha thứ không một chút ngập ngừng
Một khi ngôi sao ở Golgotha hãy vẫn còn cháy sáng.

Hãy học tha thứ, khi lòng cảm thấy bị ai xúc phạm
Và con tim như chiếc ly đầy nước mắt đắng cay
Cứ ngỡ như rằng lòng tốt đã cháy hết sạch rồi
Hãy nhớ lại rằng Giê-su cũng đã từng tha như vậy.

Hãy học cách tha thứ, không chỉ bằng lời nói
Mà bằng tất cả tấm lòng, bản chất của mình
Bởi vì rằng sự tha thứ được sinh ra do tình
Trong sự sáng tạo của những đêm cầu nguyện.

Hãy học tha thứ. Trong tha thứ có niềm vui giấu kín.
Sự khoan dung sẽ chữa lành như một thứ dầu thơm
Máu từ trên cây Thập Ác cho tất cả đã tưới lên
Hãy học tha thứ để rồi người cũng sẽ tha cho bạn.



25.MÙA THU VÀNG
(Золотая осень) 

Mùa thu. Lâu đài cổ tích
Mở ra cho mọi người xem.
Những con đường đi qua rừng
Rồi ngó nhìn vào hồ nước.

Giống như nơi triễn lãm tranh:
Có bao gian phòng mời gọi
Cây du, tần bì, cây liễu
Đều vàng óng đến lạ lùng. 

Cây đoạn ánh vàng đính ước
Như vòng hoa của tân nương
Bạch dương dưới tấm khăn voan
Dưới vòng hoa và trong suốt. 

Đất để dành cho mai táng
Dưới lá nằm ở trong mương
Nhà dưới hàng phong vàng óng
Tựa như trong những khung vàng.

Nơi cây cối trong tháng chín
Trong bình minh đứng từng đôi
Hoàng hôn chiếu lên vỏ chúng
Để vệt hổ phách sáng ngời.

Không thể bước vào mương nước
Mà không biết được một ai
Vang lên sau bàn chân bước
Dưới chân là lá của cây. 

Vang lên ở cuối con đường
Tiếng từ bờ cao vọng lại
Thứ nhựa của hoàng hôn ấy
Sẽ thành một khối kết đông.

Mùa thu. Góc cổ trong phòng
Vũ khí, sách và quần áo
Thư mục của kho châu báu
Giá băng sẽ lật từng trang.
1956




26.EM ĐÃ TỪNG ĐÓNG VAI NÀY NHƯ THẾ
Ты так играла эту роль

Em đã từng đóng vai này như thế!
Anh quên rằng anh – chỉ kẻ nhắc tuồng!
Rồi sẽ hát bài gì trong vai nữa
Kẻ chối từ trong vai diễn đầu tiên.

Lướt dọc theo những đám mây – con thuyền
Dọc theo những cánh đồng mùa cắt cỏ
Em đã từng đóng vai này như thế
Như chỉ đi theo mạn lái – âu thuyền!

Và cột buồm thấp xuống trên vô lăng
Như con chim nhạn chỉ bằng một cánh
Hay hơn tất cả những vai đã đóng
Em xuất sắc trong vai diễn đầu tiên!
1917 
____________
*Bài thơ này về Ida Vysotskaya, con gái của một thương gia giàu có. Đây là tình yêu có sự đồng cảm nhưng không được đáp lại vì hoàn cảnh của nhà thơ thời sinh viên.



27.TRONG NHÀ SẼ KHÔNG CÒN AI CẢ
(Никого не будет в доме)

Trong nhà sẽ không còn ai cả
Ngoài buổi hoàng hôn. Ngày mùa đông
Dường như đang luồn qua ô cửa
Nơi có màn che hững hờ buông.

Chỉ những chùm trắng và ẩm ướt
Đang bay thấp thoáng giữa bầu trời
Chỉ có mái nhà cùng với tuyết
Ngoài mái nhà, tuyết, chẳng còn ai.

Và một lần nữa sương đọng lại
Thêm một lần ám ảnh trong tôi
Một nỗi muộn phiền từ năm ngoái
Và công việc của mùa đông xa rồi.

Và một lần nữa còn châm chích
Đến tận giờ đây một lỗi lầm
Và ô cửa sổ hình thập ác
Đè lên cơn đói củi triền miên.

Nhưng bỗng bất chợt trên bức mành
Một mối nghi ngờ đang run rẩy
Đo bầu tĩnh lặng bằng bước chân.
Em bước vào, như tương lai vậy.

Em vừa hiện ra từ cánh cửa
Mặc đồ màu trắng, chẳng cầu kỳ
Có vẻ giống như bằng chất liệu
Dùng để may những bông tuyết kia.
1931 



Xem thêm:
36 nhà thơ đoạt giải Nobel




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét